Hoạt động ngoại khóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ thế nhưng ngày nay các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến việc trẻ đạt bao nhiêu điểm Toán, học Anh văn có tốt hay không. Nhiều phụ huynh còn vô tình “nhốt” trẻ trong nhà với các trò chơi điện tử, truyện tranh mà cứ ngỡ là đã cho con một tuổi thơ hạnh phúc.
Theo các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý trong quá trình phát triển của trẻ nếu thiếu không gian vui chơi trẻ sẽ mất đi sự linh hoạt. Thiếu các hoạt động thể chất trẻ sẽ khó lòng phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, dễ trầm uất và khó thích nghi với cuộc sống.
1. Giải tỏa stress
“Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”, thế nhưng trong cuộc sống hiện tại phần lớn phụ huynh chỉ quan tâm đến việc chọn trường, chọn lớp sao cho trẻ học càng nhiều càng tốt. Với lịch học dày đặc và một núi bài tập trẻ dần cảm thấy việc học ngày càng căng thẳng, mệt mỏi. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất của trẻ. Để giúp trẻ cân bằng cuộc sống các phụ huynh cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như chơi thể thao, nghe nhạc, … như vậy mới giải tỏa được tâm trạng, lấy lại hứng thú học tập.
Ngày nay ở trường học, đặc biệt là trường quốc tế thường hay lồng ghép các hoạt động ngoạikhóa vào chương trình để giúp trẻ giải tỏa stress, tạo không khí thoải mái, dễ tiếp thu bài vở hơn. Thay vì cố định mỗi tuần học một tiết Thể dục như các trường khác, Trường Tiểu học và Trung học Tây Úc nâng số giờ Thể dục lên 2 đến 3 tiết để các em có thể vui chơi, vận động tự do. Nhà trường còn thường xuyên luân chuyển các trò chơi như đá banh, chơi bóng chuyền, bơi lội,… để gia tăng sự thích thú cho học sinh của mình.
2. Gia tăng sức khỏe
Khi tham gia các hoạt động ngoại khóa như chơi bóng rổ, bóng đá, cắm trại, đuổi bắt,… trẻ sẽ vận động cơ thể một cách toàn diện, từ đó giúp phát triển thể chất và cao sức đề kháng cao. Sự vận động giúp trẻ kiếm soát tốt trọng lượng cơ thể, có lợi cho tim và giúp trẻ linh hoạt hơn. Ngoài ra, những đứa trẻ thường xuyên tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ hình thành nên thói quen giải trí tốt, không quá phụ thuộc vào các trò chơi điện tử dẫn đến nghiện game, nghiện xem tivi. Điều này rất có lợi cho thị lực của trẻ.
3. Mở rộng mối quan hệ bạn bè
Tác dụng lớn nhất và dễ dàng nhận thấy khi cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa đó là mang đến một cuộc sống vui tươi cho trẻ. Các hoạt động tập thể giúp trẻ giao lưu kết bạn với những đứa trẻ cùng trang lứa, điều này giúp trẻ hiểu thế nào về tình đồng đội, sự sẻ chia và gắn kết.
Mặt khác khi tiếp xúc với những đứa trẻ năng động, giỏi giang trẻ cũng sẽ trở nên linh hoạt hơn. Theo các chuyên gia, những trẻ có nhiều bạn bè sẽ ít có biểu hiện trầm cảm, lo lắng, ngôn ngữ phát triển, do đó trẻ sẽ dễ hòa nhập và thích nghi với những hoàn cảnh mới. Chính vì vậy cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ có thể tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều.
4. Dễ hòa nhập, thích nghi với cuộc sống
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, ngoài hoạt động học tập chỉ cần cho trẻ chơi thêm thể thao, học võ là được. Tuy nhiên để rèn luyện kỹ năng sống, những hoạt động kể trên chưa bao giờ là đủ.
Ở Trường Tây Úc các hoạt động ngoại khóa không nhất thiết phải là những môn thể thao. Trẻ được khuyến khích tham gia các hoạt động làm tình nguyện viên, tham gia cắm trại, biểu diễn văn nghệ hoặc khiêu vũ. Những sân chơi lành mạnh này giúp trẻ thỏa sức thể hiện bản thân, vui đùa, sống đúng với lứa tuổi của mình. Ngoài ra để trẻ phát triển trong môi trường tự nhiên, thường xuyên tiếp xúc cọ sát với thế giới xung quanh giúp trẻ phát triển nhiều mặt, học được cách thích nghi với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Với trẻ, vạn vật đang diễn ra trong thế giới này đều mới mẻ, sống động, cuốn hút và luôn luôn kích thích trí tò mò. Khi trẻ đùa nghịch, chơi đùa ngoài thiên nhiên, trẻ sẽ có cơ hội khám phá, học hỏi và bổ sung thêm kiến thức cho bản thân.
5. Tăng khả năng sáng tạo
Không chỉ đơn giản là một môn học, các hoạt động ngoại khóa là sự tổng hòa các hoạt động thể chất, giao tiếp và kỹ năng sống. Thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức trẻ sẽ rèn luyện được ý thức tự lập, ý thức tập thể để phát triển toàn diện bản thân về cả Văn-Trí-Thể-Mỹ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng các hoạt động ngoại khóa giúp trẻ cảm thấy thoải mái, tự tin và vui vẻ khi khám phá thế giới. Hoạt động ngoại khóa giúp tăng khả năng sáng tạo cho trẻ, giúp trẻ quan sát được nhiều hoạt động hơn trong cuộc sống. Chính điều này giúp trẻ thông minh hơn.
Hợp Phố