Tết cổ truyền là dịp gia đình sum vầy, trẻ con háo hức vì được đi chơi, được nhận tiền lì xì… nhưng thực tế nhiều em chưa biết gì về ý nghĩa của nó. Trong những câu chuyện cổ tích, trong thuyền thuyết, bé được biết đến nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy nhưng liệu các em đã biết vì sao bánh chưng, bánh giầy lại được người dân Việt Nam chú trọng trong những ngày Tết chưa? Vì sao người Việt coi trọng sự đoàn tụ trong ngày Tết… Tất cả những vấn đề đó có lẽ các bé không khỏi tò mò, quan tâm. Vì thế, các bậc phụ huynh nên dành thời gian dạy bé hiểu về Tết cổ truyền và những phong tục tập quán của người Việt Nam, để từ đó các em biết trân trọng, yêu quê hương đất nước hơn.
1. Truyền thống văn hóa dân tộc
Ngày Tết với những phong tục tập quán đậm chất Việt Nam có vẻ không còn mặn mà như trước. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình Việt hiện nay, những phong tục tập quán này rất được coi trọng và đây là điều đáng mừng để thế hệ trẻ Việt Nam lưu giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó.
Nói đến Tết là chúng ta nghĩ ngay tới sự đoàn tụ gia đình, chiếc bánh chưng bánh giầy mang đậm chất Việt Nam, những bao lì xì thể hiện sự yêu thương, may mắn hay những lễ hội mùa xuân. Không khí Tết rộn vang trên khắp mọi nẻo đường, người người nhà nhà chào đón một năm mới thuận buồm xuôi gió, an lành, hạnh phúc.
Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt và trong những ngày đó người ta sẽ tạm ngưng mọi công việc để đến thăm viếng lẫn nhau. Dịp Tết, mọi người thường chuẩn bị thức ăn để đãi khách, có cả những món ăn mà bình thường ít được ăn như bánh chưng, bánh tét, mứt, dưa món, thịt đông, củ kiệu, củ hành ngâm… Đi tới gia đình nào cũng thường được chủ nhà mời ăn vì vậy mới gọi là “ăn tết”.
2. Phong tục tập quán
Trong những ngày Tết người Việt Nam thường có tục trang hoàng nhà cửa, tục cúng ông Táo và tục thăm viếng.
Tục trang hoàng nhà cửa
Để chào đón năm mới mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, trang trí lại căn nhà mình cho thật đẹp. Các đồ dùng như bàn, ghế để tiếp khách, tủ thờ, tủ trong phòng khách đều được lau chùi cho sạch bụi. Các chân đèn, lư hương trên bàn thờ đều được chùi cho thật bóng. Các hoa có màu sắc sặc sỡ như hoa cúc, vạn thọ hoặc cây quất được trang trí trong nhà hoặc trước sân. Đặc biệt có hai loài hoa chỉ Tết mới nở đó là mai vàng ở miền Nam và đào hồng, đỏ ở miền Bắc. Đối với người miền Bắc trên bàn thờ thường trưng bày mâm ngũ quả với những loại trái cây như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt… có thể thay thế bằng một số loại trái cây khác. Đối với người miền Nam mâm ngũ quả thường có các loại như dừa, đu đủ, mãng cầu xiêm, xoài, sung với ý nghĩa cầu sung vừa đủ xài. Có sự khác nhau đó là do phong tục mỗi nơi khác nhau, tuy nhiên đều có điểm chung là cầu may mắn cho một năm mới sắp đến.
Việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa dường như không thể thiếu trong mỗi ngày Tết để chào đón một năm mới tốt đẹp. Các bậc cha mẹ cũng nên cho con hiểu rõ ý nghĩa phong tục tập quán này và cho bé tham gia việc dọn dẹp nhà cửa ngày Tết để trẻ hiểu việc giữ gìn những truyền thống này là quan trọng.
Tục cúng ông Táo
Ông Táo là thần bếp, được Trời (hay Thượng đế) giao trách nhiệm theo dõi tất cả những việc xảy ra trong nhà. Hằng năm vào ngày 23 tháng chạp (tháng 12) ông Táo lên trời để trình lên thượng đế những ghi nhận trong năm qua để thượng đế xét thưởng hay phạt gia chủ. Vì thế vào ngày này, nhà nào cũng dọp dẹp khu vực bếp sạch sẽ để tiễn ông Táo về trời với mong muốn nhờ ông Táo báo cáo điều tốt để có một năm mới an lành, tốt đẹp.
Theo lệ, lễ cúng ông Táo được đặt trong bếp và phải có một con cá chép vì tục truyền rằng ông Táo cưỡi cá chép để về trời. Ngày nay, tuy không còn bếp lò song người Việt vẫn không quên tục lệ này, nhiều Việt kiều ở nước ngoài vẫn cúng ông Táo vào ngày 23 tháng chạp.
Tục thăm viếng
Thăm viếng họ hàng, hàng xóm, bạn bè là để gắn kết tình cảm. Lời chúc Tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công… Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau tai qua nạn khỏi hay của đi thay người nghĩa là trong cái họa cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Trong những ngày Tết, việc thăm viếng rất được coi trọng và mọi người chú trọng ăn mặc chỉnh tề, lịch sự để thể hiện sự tôn kính những người xung quanh.
Những phong tục tập quán này là nét đẹp riêng của dân tộc ta, vì vậy cha mẹ hãy nói cho con hiểu rõ về ý nghĩa của nó để các bé hiểu.
3. Các hoạt động chính
Những mâm cơm đầm ấm gia đình quây quần bên nhau, những thời khắc đáng nhớ như tất niên, giao thừa…. có vẻ không còn xa lạ với trẻ, tuy nhiên các em chưa hiểu về ý nghĩa của nó. Thực sự nhiều người lớn cũng chưa hiểu về những giai đoạn, phong tục này, vì vậy cha mẹ hãy tìm hiểu và nói cho con biết để trẻ có được những kiến thức cơ bản về Tết Nguyên Đán.
Tục cúng viếng để nhớ ơn các đấng sinh thành ở nước ta rất bài bản, các bé còn nhỏ nên chưa yêu cầu các em phải biết hết, song phụ huynh cũng phải đề cập tới vấn đề này một cách khái quát để các em biết tới truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bên cạnh đó, các lễ hội trong ngày xuân được tổ chức nhiều nơi tạo nên một không khí rộn ràng cho ngày Tết. Nếu có thời gian, cha mẹ hãy dẫn con đi tới những lễ hội đó. Điều này không chỉ giúp con vui chơi giải trí lành mạnh mà còn là cơ hội để trẻ khắc ghi những nét đẹp trong văn hóa con người Việt Nam.
Tết cổ truyền rất quan trọng với người Việt Nam, phong tục Tết có những điều thú vị khiến các em tò mò. Vì vậy, cha mẹ hãy là người dạy cho con hiểu về những truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc. Hãy cho con biết ý nghĩa của ngày Tết cũng như những hoạt động diễn ra trong ngày Tết để các em hiểu thêm về giá trị phong tục tập quán Việt Nam, từ đó nuôi dưỡng lòng yêu đất nước, yêu quê hương, dân tộc trong tâm hồn các em.