6 bước để kỷ luật không đòn roi
04.04.2015
6-buoc-de-ky-luat-khong-don-roi

Trước áp lực cuộc sống và sự thiếu hiểu biết trong quá trình nuôi dạy trẻ, các ông bố bà mẹ không ít lần sử dụng đòn roi với con cái. Ngày nay để giúp trẻ nên người, đòn roi không còn là biện pháp giáo dục hiệu quả. Đánh con là thể hiện sự bất lực của bố mẹ trước con cái.

Kỷ luật không đòn roi không chỉ có nghĩa là không sử dụng roi vọt trong nuôi dạy trẻ mà còn không cho phép bố mẹ sử dụng lời nói, hành động là tổn hại đến tâm lý, cơ thể trẻ. Vậy làm sao để có thể thực hiện kỷ luật không đòn roi trong nuôi dạy con cái, kính mời quý phụ huynh tham khảo 6 bước sau.

1. Lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của trẻ

Khi trẻ không vâng lời, làm sai điều gì, phụ huynh không nên vội vàng quy chụp và đổ hết lỗi cho trẻ. Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó, chính vì vậy phụ huynh cần phải lắng nghe cảm xúc và nhu cầu của trẻ trước khi trách móc, la mắng. Tại hội thảo Kỷ luật không đòn roi diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ rằng trẻ có nhu cầu được chấp nhận về cảm xúc rất cao bởi ở lứa tuổi này trẻ rất nhạy cảm với thế giới xung quanh. Trẻ chưa có nhiều va chạm với cuộc sống chính vì thế rất cần các bậc cha mẹ hướng dẫn, chỉ dạy cho trẻ. Khi trẻ mắc sai lầm phụ huynh không nên phủ đầu trẻ bằng những lời la mắng bởi như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy uất ức, không nói ra được vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn giúp phụ huynh tháo gỡ thắc mắc dạy con không bằng đòn roi

 2. Thể hiện sự đồng cảm

Trong đa số trường hợp nếu cha mẹ chọn cách lắng nghe và chấp nhận cảm xúc của trẻ chính bản thân trẻ sẽ nhận ra lỗi lầm và có những suy nghĩ tích cực để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, nếu cha mẹ biết cách thể hiện sự đồng cảm bằng một vài câu, từ cảm thán như: à, ừ, vậy hả con, bố mẹ hiểu, có bạn nào bị như con không,… sẽ khiến trẻ cảm thấy yên tâm, tin tưởng, muốn tâm sự và chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn nữa.

3. Bày tỏ cảm xúc và mong muốn của bạn

Thay vì đánh trẻ để trẻ ngoan ngoãn, các bậc phụ huynh nên kiên nhẫn giải thích cho trẻ hiểu và nhận ra sai lầm. Nếu không hài lòng với hành động, việc làm của trẻ, phụ huynh cần bày tỏ cảm xúc và mong muốn của mình. Việc làm này còn có tác dụng hơn cả sử dụng các biện pháp mạnh như la hét, đòn roi hay kỷ luật thép đối với trẻ.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Để đạt được mục đích cuối cùng là dạy trẻ những điều hay lẽ phải, phụ huynh nên bày tỏ mong muốn của mình. Những câu nói nhẹ nhàng như: Mẹ hiểu nhưng nếu không thuộc những từ cơ bản thì càng ngày con sẽ càng bị tụt lại mất’, ‘Nếu con như vậy con buồn, mẹ cũng buồn’,… lại có sức mạnh to lớn làm lay động trái tim của trẻ, giúp trẻ nhận ra vấn đề của mình”.

4. Khuyến khích trẻ động não tìm ra giải pháp

Sau khi bày tỏ cảm xúc của mình các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ tìm ra giải pháp cho chính vấn đề trẻ đang gặp phải. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần kỷ luật thật nặng thì trẻ sẽ không bao giờ dám phạm phải sai lầm đó nữa. Tuy nhiên, lạm dụng roi vọt sẽ làm tổn thương tinh thần trẻ, khiến trẻ lì đòn, tìm cách trốn tránh và nói dối nhiều hơn.

Vượt qua trạng thái chán chường, uất ức trẻ sẽ bắt đầu nghĩ đến những biện pháp để giải quyết vấn đề. Đôi khi chính phụ huynh sẽ ngạc nhiên khi trẻ đưa ra hướng giải quyết rất tích cực và đúng đắn.

Hãy kiên nhẫn nói chuyện với trẻ để giải quyết vấn đề

5. Viết ra những ý kiến giải pháp

Có thể nói, cha mẹ đã quen quyết định, giúp con mình chọn lựa vì cha mẹ tin rằng điều đó tốt cho con của mình. Điều đó hoàn toàn chính xác, ngoài ra cha mẹ cũng cần hiểu rằng con mình cũng có những suy nghĩ riêng, những hướng giải quyết riêng và trẻ cũng tin rằng điều đó là tốt nhất với chúng. Hãy cùng trẻ viết ra những ý kiến, giải pháp để cả hai cùng lựa chọn. Phụ huynh nên nhớ rằng trẻ đang trong quá trình hoàn thiện chính vì vậy không nên bình luận, chê bai giải pháp của trẻ. Làm như vậy trẻ sẽ nản chí và không muốn bàn luận thêm.

6. Cùng nhau quyết định giải pháp và lập kế hoạch thực hiện

Sau một hồi thảo luận cuối cùng cả phụ huynh và trẻ hãy cùng nhau lựa chọn giải pháp thích hợp và lập kế hoạch thực hiện. Trong không khí vui vẻ trẻ sẽ hào hứng thực hiện mọi công việc để cải thiện tình hình.

Chỉ cần biết cách kiềm chế và cư xử khéo léo với trẻ, các phụ huynh có thể giáo dục trẻ hiệu quả mà không cần phải dùng đến đòn roi. Chỉ cần thực hiện 6 bước đơn giản trên, Trường Tiểu học và Trung học Tây Úc tin rằng mọi vấn đề đều có thể giải quyết, khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Ái Linh

Liên hệ

Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp các thắc mắc và tư vấn tuyển sinh:

Đăng ký tư vấn

zalo-oa
Cơ Sở Mầm Non 260
260DBP
260 Điện Biên Phủ, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Cơ Sở Mầm Non 35
35NHC
35 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Cơ Sở Tiểu Học
43NT
43 Nguyễn Thông, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Cơ Sở Quốc Tế
157LCT
157 Lý Chính Thắng, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Cơ Sở THCS & THPT
84BHTQ
84 Bà Huyện Thanh Quan, P.9, Q.3, TP.HCM
ĐẶT LỊCH THAM QUAN

Bước 1: Chọn cơ sở tham quan trường

Bước 2: Thông tin của bạn

right arrow time clock pin e