Ngày Liên hiệp quốc tại Tây Úc là một ngày các WASSers được giáo dục, tìm hiểu về thực trạng quyền bình đẳng của con người trong thế giới ngày nay, từ đó khơi dậy ý thức và sự suy nghĩ của các em về mục đích của việc học tập, có thể nêu lên cho mình những ý kiến và nhận định để phát triển một xã hội bình đẳng và yêu thương. Hãy lắng nghe thông điệp mà các học sinh của chúng tôi gửi tới một ngày mai bình đẳng nhé.
Công bằng xã hội là một tình trạng mà trong đó tất cả mọi người trong một xã hội hay một nhóm cụ thể nào đó có địa vị tương tự như nhau ở những khía cạnh nhất định, thường bao gồm các quyền như tự do ngôn luận, quyền sở hữu và bình đẳng. Đề có một xã hội công bằng luôn đòi hỏi ở mỗi quốc gia và thành viên của quốc gia đó phải tự nhận thức được giá trị của sự công bằng và hậu quả nghiêm trọng của những bất công trong xã hội.
Cuộc sống phức tạp không phải lúc nào cũng công bằng. Ta không thể thờ ơ trước mọi bất công và xem nó là một phần tất yếu được. Tuy nhiên, chúng ta phải đấu tranh bằng cách nào đó để không gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh. Bản thân chúng ta luôn phải trang bị một bản lĩnh, ý chí kiên cường để sẵn sàng trước mọi khó khăn, sóng gió cuộc đời. Chỉ khi ấy, bạn sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu và có một cuộc sống tốt đẹp.
Mỗi chúng ta hãy luôn công bằng với mọi người cung quanh và các quốc gia trên thế giới cần có sự công bằng, bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau thì cuộc sống trên trái đất này mới đẹp đẽ và hạnh phúc được.
Nguyễn Ngọc Bằng Lăng – Học sinh lớp 10C
——————-
Đối với bản thân em, một thế giới bình đẳng là nợi các quốc gia có vị thế ngang nhau về mọi mặt, chung sống hòa bình, hữu nghị, hợp tác, không dùng vũ lực đe dọa, tranh giành lẫn nhau. Đặc biệt, các quốc gia phải có sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và nền độc lập của nhau.
Đất nước Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việt Nam thể hiện chủ quyền dân tộc của mình trên mọi phương diện cả về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao. Bảo vệ chủ quyền dân tộc, chủ quyền quốc gia là thực hiện tổng thể các biện pháp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, đối ngoại và quốc phòng an ninh nhằm đảm bảo quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn và đầy đủ về mọi mặt trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia.
Thế hệ thanh niên được coi là bộ phận gánh trên vai trọng trách với mọi vấn đề của quốc gia, dân tộc, nắm trong tay sinh mệnh và tương lai của đất nước. Vì thế, chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam để đảm bảo một thế giới công bằng, bình đẳng và tươi đẹp hơn.
Nguyễn Vũ Thanh Lê – Học sinh lớp 10C
——————
Mỗi con người sinh ra đều có quyền tự do và bình đẳng. Dù là nhà vua, là kẻ ăn xin, là đàn ông, phụ nữ, là người già hay trẻ nhỏ thì đều có một sinh mệnh bình đẳng như nhau.
Chúng em ý thước được rằng là thế hệ tương lai của đất nước, là những chủ nhân tương lai của Tổ quốc, việc nhận thức về quyền bình đẳng là điều vô cùng cần thiết. Vì khi có nhận thức đúng đắn, con người sẽ có những hành vi đúng để bảo vệ quyền bình đẳng.
Là một học sinh, em nghĩ mình cần có những hành động nhỏ nhưng thiết thực để bảo vệ quyền bình đẳng của cá nhân cũng như mọi người xung quanh. Tôn trọng người khác, tôn trọng những bản chất vốn có của họ, không kì thị dù cho họ là ai là những việc em nghĩ mình có thể làm được để bảo vệ quyền bình đẳng. Mỗi người là một cá thể mang bản sắc khác nhau, họ có quyền bảo vệ bản sắc đó của mình.
Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng và hành động vì một thế giới bình đẳng.
Đặng Thị Thảo Hiền – Học sinh lớp 11B
———————-
Bình đẳng.
Một từ được sử dụng bởi rất nhiều người, nhưng không ai thực sự hiểu ý nghĩa của nó. Không phải vì từ này quá khó, nhưng vì mỗi lần nhắc đến, lại có một ý nghĩa khác.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không quá lời khi nói rằng bình đẳng là một trong những chủ đề được thảo luận phổ biến nhất. Bình đẳng xã hội, bình đẳng giữa các quốc gia và quan trọng hơn cả, là vấn đề bình đẳng giới. Trong bài viết này, chúng em muốn thảo luận về vấn đề bình đẳng giới.
Trong những thế kỷ trước, khi chưa xuất hiện nhà cửa, cũng chưa có điện, con người phải sống trong hang động và săn bắt thú rừng để làm thức ăn, thì đàn ông và phụ nữ được coi là bình đẳng. Trong những việc săn bắn hái lượm, họ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Đàn ông thường là những người ra ngoài săn bắn, trong khi phụ nữ ở lại để chăm sóc ruộng vườn và con cái. Chính từ đây, vai trò của đàn ông và phụ nữ trong xã hội đã trở thành một quy luật và làm nền tảng cho các thế hệ tương lai.
Tiến tới một thời đại tiên tiến hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp và việc bóc lột phụ nữ dần trở nên rõ ràng hơn. Đàn ông đi làm, về nhà, kiếm tiền và trở thành chủ gia đình. Phụ nữ phải làm các công việc chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ dùng gia đình, dọn dẹp bát đĩa, chuẩn bị bữa ăn, v.v. Những công việc nhà được coi là thấp kém và sẽ làm mất giá trị một người đàn ông. Những đứa trẻ lớn lên cũng sẽ thấy thứ bậc địa vị này trong xã hội và lại tiếp tục có những hành vi tương tự cho các thế hệ tương lai, khiến quyền bình đẳng giữa hai giới trở thành một vòng luẩn quẩn.
Trong thập niên 1920, đã có một số điều luật mới được ban ra. Bản sửa đổi luật mười chín đã được thông qua và cùng với đó, phụ nữ giờ đây có quyền bỏ phiếu. Đó gần như là một khoảnh khắc mang tính cách mạng đối với toàn nước Mỹ, cũng như trên toàn thế giới. Nó đánh dấu một sự thay đổi lớn. Mặc dù mãi cho đến cuối thập niên 1920, phụ nữ mới được sử dụng quyền bầu cử của họ, nhưng phụ nữ đã được đại diện trong các ủy ban chính trị địa phương, tiểu bang và quốc gia và có ảnh hưởng đến chương trình nghị sự chính trị của chính phủ liên bang. Từ đó, nhiều thay đổi hơn đã bắt đầu được đưa vào để cải thiện xã hội, chẳng hạn như luật bảo vệ người lao động vị thành niên và cải cách nhà tù. Phụ nữ hoạt động chính trị năm 1929 tuy có ít quyền lực, nhưng họ đã bắt đầu hành trình đến với sự bình đẳng.
Chuyển sang năm 2019. Tất cả mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với những thế kỉ trước. Từ “phụ nữ” không còn dùng để chỉ những người ở nhà và làm việc nhà. Nó đại diện cho một sự thay đổi. Nó đại diện cho tất cả phụ nữ trên khắp thế giới, những người từng bị áp bức, đang đấu tranh cho quyền lợi của mình bằng nhiều cách và nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng có thể gọi là cuộc nổi dậy nhằm đảo ngược, hoặc chính xác hơn là tái cân bằng vai trò.
Thời đại này đã chứng kiến rất nhiều thay đổi đáng kể liên quan đến bình đẳng giới. Chúng ta hãy tiến về một tương lai tươi sáng hơn và quên đi quá khứ đen tối mà chúng ta đã tạo ra.
Đây chỉ là sự khởi đầu.
Khoa / Julie – Học sinh lớp ADP 11