Theo khung thời gian điều chỉnh năm học 2019 – 2020, các WASSers sẽ học bù vào tiết cuối mỗi ngày và thứ bảy để đảm bảo kiến thức cho các em thi học kì 2 và tốt nghiệp THPT. Các giáo viên của Tây Úc đã dày công soạn nhiều chương trình học cô đọng nhất, giúp các học sinh tiếp cận đầy đủ bài vở mà vẫn không bị quá tải, căng thẳng. Hãy cùng nghe các giáo viên của WASS chia sẻ về cách giảng dạy và học tập thông minh cho các WASSers nhé.
Để các em học sinh kịp thời hệ thống đủ kiến thức cho năm học 2019 – 2020, giáo viên Tây Úc chúng tôi đã áp dụng phương pháp dạy học mới, hiện đại để có được những nội dung giảng dạy hấp dẫn, liên quan đến chủ đề dự án mà phải phù hợp độ tuổi, khả năng và sở thích của các em. Ngoài ra, chúng tôi còn cố gắng dành thêm thời gian chuẩn bị các học liệu cho học sinh thực hành. Sự tâm huyết và lòng yêu nghề, đó chính là động lực cho người giáo viên chúng tôi kiên trì soạn những giáo án hay với những bài học bổ ích cho học sinh. Và rồi, “quả ngọt” mà chúng tôi nhận được là chứng kiến các em hứng thú với bài dạy, hăng say khám phá những điều mới mẻ, thú vị của cuộc sống. Với bản tính của học sinh là thích tìm tòi, khám phá, khi được đóng vai trò chính trong tiết học, các em sẽ thấy hứng thú và say mê với việc học hơn.
Trước khi vào bài mới, các thầy cô giáo thường nêu vấn đề tìm hiểu của bài học, tiếp nối là hình thành kiến thức đã có trong tài liệu, sách giáo khoa của bài học; coi hoạt động này là một hoạt động học tập, có mục đích.
Trong giờ học,chúng tôi khuyến khích các em nên tạo ghi nhớ bằng cách hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ, bảng biểu. Phương pháp này giúp nhận diện tổng quát những kiến thức đã học trong từng bài, từng phần, chuyên đề kiến thức. Thay vì ghi nhớ kiến thức theo sách giáo khoa hay vở ghi chép chi tiết, học sinh có thể sử dụng những tấm thẻ ghi nhớ. Trên mỗi thẻ nhớ, học sinh sẽ dùng bút để ghi lại những kiến thức quan trọng trong bài giảng để tiếp thu có chọn lọc những nội dung cần thiết. Bên cạnh đó, việc ghi nhớ kiến thức được học lên thẻ còn giúp học sinh dễ dàng tập trung hơn trong việc nhận diện những ý chính của bài học, tăng khả năng xử lý và phân loại thông tin, nhanh chóng tiếp thu kiến thức trên lớp học cũng như ở những lớp học online, lớp học kỹ năng mà học sinh tham gia. Ngoài ra, dạy học bằng tư duy hình ảnh: lồng ghép các hoạt động sinh động cũng là một phương pháp giúp giáo viên tạo hứng thú học tập cho các em.
Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng giáo viên là người tạo môi trường và tình huống để học sinh có thể rèn luyện khả năng tự giải quyết vấn đề thông qua cách dạy học. Để làm được điều đó, người giáo viên phải nắm vững quá trình hình thành nhận thức, thường xuyên cập nhật, thay đổi vật liệu, chọn bài tập ứng dụng có tính thực tế, liên hệ kiến thức với cuộc sống để hấp dẫn học sinh.
Chúng tôi cũng tổ chức cho các em các buổi tự đánh giá trước khi “chốt” lại các kiến thức của toàn bài học. Chúng tôi soạn sẵn các tiêu chí đánh giá, phân tích hướng dẫn cho HS đánh giá lẫn nhau thông qua tổ chức trò chơi học tập, đánh giá sản phẩm học tập,..Khi ấy học sinh sẽ hứng thú hơn và tự tin chinh phục những tiết học. Từ đó, các em cảm thấy việc học bù vô cùng bổ ích và không hề cảm thấy áp lực hay quá tải.
Lê Thị Phương Trinh – GVCN 4C
Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp COVID – 19, các em học sinh đành gác lại những ngày đến trường để tránh dịch tại nhà. Sau bao mong mỏi và đợi chờ, cuối cùng ngày cắp sách đến trường cùng bao bè bạn cũng đã đến. Để chào mừng cho sự trở lại của các học sinh, chúng tôi – những người giáo viên đã chuẩn bị rất nhiều điều để dành tặng cho các em, đặc biệt là những bài giảng tâm huyết và thú vị.
Hiểu được những nỗi lo lắng của quý phụ huynh cũng như các học sinh về áp lực học tập sau nghỉ dịch, các giáo viên tại Tây Úc chúng tôi đã xây dựng hệ thống bài học nhẹ nhàng, tinh giản và đầy sức hấp dẫn. Với nhiều trò chơi kích thích tính sáng tạo, những dự án, mô hình thu nhỏ giúp các em chủ động học hỏi và tìm tòi. Các tiết học luôn được ứng dụng công nghệ thông tin với những phương pháp tích cực, giúp các em thoải mái, tự tin lĩnh hội kiến thức mà giáo viên truyền đạt. Bên cạnh đó, các giáo viên còn tổ chức các tiết học thông minh, với nhiều sự tương tác từ giáo viên và học sinh, từ đó các em cảm thấy lôi cuốn và hứng thú với việc học. Nhờ vậy, dù lịch học bù được sắp xếp chặt chẽ nhưng các em không hề cảm thấy nặng nề hay áp lực với chương trình. Trái lại, các em luôn có tâm thế vui vẻ, thoải mái và rèn luyện thêm về sự tự tin trong các tiết học.
Chúng tôi hi vọng rằng, sau tất cả sự nỗ lực và cố gắng của tập thể giáo viên trường Tây Úc, các em học sinh sẽ có được thật nhiều kiến thức cũng như kỹ năng để vững bước tiến tới và làm chủ tương lai!
Trần Yến Minh – GV Ngữ văn