Có rất nhiều phương pháp giảng dạy bộ môn Khoa học khác nhau tùy thuộc vào chủ đề và mục tiêu của bài học. Tại WASS, Science là bộ môn được giảng dạy theo chương trình học thuật Bang Tây Úc bởi các giáo viên nước ngoài dày dặn kinh nghiệm và tràn đầy nhiệt huyết khi truyền tải kiến thức đến các em học sinh.
WASSers sẽ không chỉ học thuộc lòng các thuật ngữ khoa học, mà còn được tiếp xúc với nhiều phương tiện, dụng cụ học tập khác nhau theo nhiều phương pháp thú vị. Các em ngoài có cơ hội học hỏi chủ động, độc lập, còn hợp tác với các bạn trong lớp để hiểu bài học sâu sắc hơn.
Chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của cô Catherine Koch – Giáo viên Khoa học tại WASS về phương pháp giảng dạy bộ môn này, các bạn nhé!
Các phương pháp học tập đa dạng để tiếp thu bài học hiệu quả
Mỗi học sinh có cách tiếp thu bài học khác nhau. Do đó, trong lớp học, giáo viên sẽ sử dụng nhiều hoạt động, phương tiện giảng dạy khác nhau để giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả theo cách phù hợp nhất với mình.
- Học bằng thính giác: Học sinh lắng nghe những giải thích của giáo viên về các khái niệm mới trong sách hoặc từ các video khoa học.
- Học bằng thị giác: Học sinh được xem những hình ảnh, tranh vẽ minh họa trong sách giáo khoa hoặc PowerPoint để tìm hiểu các từ khóa trong bài học cũng như quá trình thực hiện các thí nghiệm khoa học. Các em cũng có thể tìm những ví dụ thực tế trong cuộc sống và từ môi trường xung quanh.
- Học qua lời nói: Học sinh có cơ hội để trình bày quan điểm, nhận định, ý kiến của mình trước lớp và trong các nhóm nhỏ.
- Học qua thực hành: Học sinh thực hành để kiểm tra các lý thuyết, quan sát các hiện tượng khoa học và đưa ra những phát biểu, kết luận cuối cùng. Các em cũng có thể tương tác với các tình huống thực tiễn mà giáo viên đã chuẩn bị từ trước.
- Hợp tác học tập: Học sinh sẽ làm việc nhóm, hợp tác với các bạn khác trong dự án để giải quyết vấn đề đã đặt ra.
- Tự học: Học sinh sử dụng vở, sổ tay để ghi chép các quan sát, mô tả, ghi chú ngắn gọn các kiến thức và làm bài tập về nhà. Điều này giúp các em dễ dàng ôn tập kiến thức đã học.
Thảo luận theo nhóm
Sau khi học sinh đã hiểu rõ bài học, các em sẽ được yêu cầu kết nối, tương tác với nhau để thảo luận, trả lời những câu hỏi suy luận được đặt ra ở cuối sách. Hoạt động này giúp học sinh có cơ hội củng cố kiến thức, tự suy nghĩ, vận dụng kiến thức đã học và trao đổi với bạn cùng cặp. Sau khi thảo luận ngắn, các nhóm sẽ chia sẻ ý tưởng của mình về chủ đề theo quan điểm đã được thống nhất.
Phương pháp này cũng được áp dụng hiệu quả khi bắt đầu một bài học, hoặc giới thiệu một chủ đề mới đến lớp. Lúc đó, giáo viên có thể linh hoạt đặt câu hỏi, tình huống cho cả lớp, và các em học sinh có thể sử dụng kiến thức sẵn có của mình để trả lời câu hỏi ấy.
Thực hành, làm thí nghiệm
Đây là một trong những phần cốt lõi của bộ môn Science, trong đó học sinh sẽ sử dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau để kiểm tra những kiến thức mình vừa học hoặc sắp học. Sau khi thiết lập các câu hỏi thử nghiệm, các em sẽ đưa ra giả thuyết của riêng mình và chia sẻ với lớp. Tiếp theo các em cần được biết và nắm chính xác phương pháp, tài liệu và dụng cụ sẽ được sử dụng trong thí nghiệm.
Giáo viên sẽ làm mẫu để giúp học sinh hình dung và có ý tưởng rõ ràng về những gì mình cần làm. Thầy cô cũng sẽ giải thích những yêu cầu an toàn và mục tiêu đặt ra cho thí nghiệm. Sau đó, các em học sinh sẽ kiểm tra giả thuyết của mình theo từng nhóm nhỏ. Cuối cùng, các em ghi lại những quan sát, phát hiện, kết quả thí nghiệm và phân tích những điều này rồi chia sẻ với lớp hoặc nộp lại báo cáo cho thầy cô sau khi hoàn thành.
Lợi ích của việc học tập theo nhóm
Trong giờ học Science, sẽ có nhiều thời điểm học sinh cần độc lập làm việc một mình và cùng hợp tác làm việc với các bạn vào những thời điểm khác để tiếp thu kiến thức hiệu quả. Các em có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đơn giản, xử lý tình huống, làm thí nghiệm và các dự án khoa học trong hai học kỳ của mình. Khi làm việc cùng nhau, học sinh sẽ có cơ hội nghiên cứu kỹ hơn tài liệu của chủ đề, luyện tập các từ vựng mới và trao đổi thảo luận, học hỏi từ các bạn khác. Hợp tác làm việc cũng cho phép các em kết hợp kiến thức sẵn có và kiến thức mới, quan điểm, ý tưởng sáng tạo từ bạn bè để đưa ra nhiều câu trả lời cho vấn đề cần giải quyết. Từ đây, giúp các em tạo sự kết nối, tăng khả năng giao tiếp và hứng thú học tập với bộ môn Khoa học.