Đã lâu lắm rồi con gái mình mới cười tươi đến vậy. Nụ cười hồn nhiên ấy khiến mình thở phào nhẹ nhõm bởi 2 năm qua là một hành trình gian nan của cả mẹ và con.
Mấy chị trong công ty vẫn hay gọi mình “bà mẹ ưa xê dịch”, chỉ cần thấy con khóc, gầy tong teo, ăn uống kém, thay đổi tâm lý là lục đục chuyển trường cho con. Tuy nhiên, có ai hiểu hết nổi lòng của người mẹ khi “ở trong chăn mới biết chăn có rận” đau khổ thế nào.
Thật sự tìm được môi trường học tập tốt cho con rất khó mọi người ạ, bé Nhím nhà mình hơn 6 tuổi, đi học mới có được 2 năm thôi mà đã chuyển trường đến 3 lần rồi. Trường mẫu giáo đầu tiên bé Nhím theo học thì cắt xén khẩu phần của trẻ. Bình thường khi đưa con đi học, mình hay để ý quan sát thực đơn của các bé cũng hay hỏi con hôm nay cô cho con ăn món gì ngon để mẹ không nấu trùng. Sau nhiều lần thấy con hay than đói bụng, đòi mẹ mua quà vặt mỗi lúc tan trường mình mới phát hiện ra nhà trường từ từ cắt giảm khẩu phần ăn của trẻ. Chẳng hạn tháng đầu tiền đi học sau mỗi bữa ăn bé đều được ăn tráng miệng bằng sữa chua hoặc trái cây nhưng dần dần mọi thứ giảm về cả số lượng lẫn chất lượng rồi mất hút. Ngay cả bữa ăn dặm vào buổi chiều cũng thay đổi chóng mặt, từ việc uống sữa, ăn bánh bao các bé được phát hai cây kẹo. Trẻ con rất non nớt, có biết gì đâu mà nhà trường nỡ lòng nào cắt xén khẩu phần ăn của các bé. Trong khi đó ngoài học phí các phụ huynh như mình đều đóng hơn 2 triệu/tháng cho tiền ăn.
Sau lần chuyển trường thứ nhất, mình hơi sợ nên tìm trường cho con kỹ lắm. Nghe mọi người khuyên nên cho con theo học các trường nổi tiếng, bởi tiền nào của nấy không sợ giáo viên bỏ đói con như ở trường cũ. Tuy nhiên một lần nữa mình lại thấy thất vọng tràn trề. Có hôm mình có việc bận đột xuất nên đưa Nhím đi học muộn và trực tiếp chứng kiến các hoạt động trong giờ ăn và ngủ trưa của các bé ở đây. Người ta cho trẻ ăn trong những khay thiếc, khay nhựa rẻ tiền rồi để nhiều trẻ ngủ cả ở hành lang chứ không phải trong phòng đàng hoàng. Nhìn vậy thôi là mình cũng đủ hiểu nhà trường chăm sóc con mình “tốt” đến chừng nào, nên các mẹ đừng vội nghĩ cứ đắt là xắt ra miếng nhé!
Đến trường học thứ ba bé Nhím học được cũng không lâu, dù trường có cơ sở vật chất tốt. Cho con theo học chưa đầy 2 tháng mà mình thấy con gái thay đổi hẳn, hay sợ sệt, ngủ mê, bắt bố mẹ dẫn vào tận lớp và không còn muốn đi học như trước. Có hôm Nhím thủ thỉ với mình rằng: “Mẹ ơi! Mẹ xin cô cho con ăn ít thôi bởi răng con sún nhai khó lắm và đừng mắng con khi con làm bài chậm nữa”. Mình hỏi “con có bạn mới ở lớp không?”, cháu không nói, chỉ lắc đầu. “Ở lớp con có đi vệ sinh không?”, cháu cũng sợ sệt và lắc đầu. Trong khi đó trước đây Nhím nhà mình chưa bao giờ bị như vậy, chở bé đến cổng trường là bé đã í ới gọi tên bạn bè cùng lớp, đi học về cũng vui cười luyên thuyên kể biết bao nhiêu chuyện. Lời nói của con trẻ khiến mình giật bắn người, môi trường học tập không thân thiện, trên đe dưới búa thì làm sao trẻ có thể phát triển được. Thế là mình lại chuyển trường cho con. Phải đến trường tiểu học thứ tư, tức là trường hiện tại Nhím đang theo học thì mình mới thấy hài lòng.
Mình chuyển trường cho con lúc ấy đang ở giữa kỳ học, thủ tục có phần hơi khó khăn. Ngày đưa con đến lớp mình cũng có phần lo lắng và hồi hộp, điều làm mình bất ngờ nhất chính là cô giáo chủ nhiệm của bé đã chuẩn bị một túi kẹo đưa cho bé để đến bé chia cho các bạn xem như là quà gặp mặt. Trong giờ học cô giáo cũng thường xuyên gọi bé Nhím trả lời, tặng cho bé nhiều lời khen nên bé phấn khích lắm. Nhờ những mẹo nhỏ của cô giáo mà Nhím hòa nhập với môi trường mới rất nhanh, theo kịp bài giảng và phong cách giáo dục mới. Nhím của mình giờ lại tươi cười, thích đi học và hát líu lo như ngày xưa. Nhìn con như vậy mà hai vợ chồng mình thấy hạnh phúc lắm.
Mình biết chuyển trường nhiều lần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ nhưng cứ để mặc con “sống chung với lũ” thì cũng không phải là điều tốt. Người mẹ nào cũng muốn cho con học tập, phát triển trong môi trường tốt. Với mình rời bỏ cái chưa tốt để đến với cái tốt hơn không có gì là sai cả, chỉ cần biết cách động viên con, dạy con xê dịch, thích nghi đúng cách thì mọi chuyện sẽ ổn. Chúc các mẹ chăm con thật tốt nhé!
Mẹ Nhím