Sau khi được tìm hiểu về tính tiết kiệm trong trong chuỗi bài học giáo dục tính cách tại Hệ thống Trường Tây Úc (WASS), các thành viên cộng đồng WASS đã bắt tay vào việc thực hành tính cách này thông qua nhiều hoạt động bổ ích tại trường. Hãy cùng xem các em đã vận dụng chúng thế nào nhé!
Dân gian ta có câu “Đại phú do thiên, tiểu phú do kiệm”, đề cao việc tiết kiệm của mỗi người, bởi nó không chỉ mang đến sự giàu có mà còn là nền tảng vững chãi đối với bất kỳ biến động nào trong tương lai. Và riêng với cộng đồng WASS, tính tiết kiệm được xem là phẩm chất cần thiết đối với một công dân toàn cầu thực thụ.
Trong tháng 4/2016 vừa qua, các WASSers đã vô cùng hào hứng với bài học giáo dục tính cách này cùng những lý thuyết sinh động và tấm gương lịch sử cụ thể là bà Mary McLeod Bethune (1875-1955) – Một nhà Giáo dục lỗi lạc, và là nữ cố vấn da màu đầu tiên cho Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Xuất thân từ một gia đình nô lệ, bà phải làm việc cực lực và làm đủ mọi nghề để có thu nhập. Tuy bận rộn, bà vẫn rất chú trọng việc học của bản thân và mong muốn được học hỏi nhiều nhất có thể. Chính tính tiết kiệm đã giúp bà thành lập ngôi trường dành riêng cho các trẻ em gốc Phi nghèo (sau này là trường Đại học Bethune Cookman).
Khó khăn chồng chất khi luôn thiếu kinh phí hoạt động, bà phải làm việc không mệt mỏi và tiết kiệm hết mức có thể để đảm bảo nguồn tài chính cho trường. Cơ may đến, năm 1923 trường của bà kết hợp với Cao đẳng Cookman với lợi thế về tài chính nhưng ít học sinh. Sự kết hợp đó đã cho ra đời Trường cao đẳng Bethune-Cookman và bà trở thành vị chủ tịch đầu tiên. Đồng thời bà cũng là người đứng đầu câu lạc bộ phụ nữ da màu của liên bang thời bấy giờ. Theo bà, hai nguyên tắc mà bản thân mình luôn tuân thủ là “Cho đi sẽ nhận lại” và “Không phải cho bản thân tôi, mà cho những người khác”.
Vận dụng bài học trên vào trong thực tế, các WASSers đã có những trải nghiệm đáng nhớ qua các hoạt động được tổ chức tại trường vừa qua.
Tuần lễ hướng ứng “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 2016”
Bằng việc trao đổi hơn 200 quyển, đa dạng các thể loại từ Văn học nước ngoài, Nghệ thuật sống, Kỹ năng, Truyện tranh… giúp “Khơi nguồn chảy của sách” thay vì “để chúng chết trên giá sách của bạn”. Theo đó, cả góc phòng thư viện đã sôi động hơn bao giờ hết với những quyển sách tuy đã cũ bìa, nhưng nội dung vẫn còn nguyên vẹn mà các WASSers mang đến góp với sự trân trọng nhất. Hành động này giúp các em hiểu giá trị tính tiết kiệm đã vượt xa nghĩa đen “làm giàu về vật chất”, mà bao hàm một ý nghĩa rộng lớn hơn nữa là giúp làm giàu tri thức nhân loại và làm đẹp tình bạn thân thiết trong cộng đồng của chính mình.
Mặt khác, các em còn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với môi trường xung quanh bằng tính tiết kiệm thiết thực như: tắt đèn và máy lạnh trước khi rời khỏi lớp, đạp xe đến trường giúp hạn chế chất thải ra môi trường, giữ vệ sinh khuôn viên trường trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Ngày Trái đất” vừa qua.
Cuối cùng, WASS mong rằng qua bài học tính tiết kiệm này, các em học sinh Tây Úc – những công dân toàn cầu trong tương lai sẽ vạch ra cho mình con đường thực hành riêng, giúp hình thành nền tảng tốt cho sự bền vững mai sau.