Theo số liệu thống kê của Viện Dinh Dưỡng, gần 50% trẻ em Việt Nam ở độ tuổi học đường bị thiếu các chất cần thiết cho sự phát triển tối ưu về thể chất lẫn tinh thần. Nguyên nhân chủ yếu là do các bậc cha mẹ và ngay chính các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học về dinh dưỡng cho trẻ. Do đó, tùy theo từng lứa tuổi, các bậc cha mẹ nên có chế độ chăm sóc dinh dưỡng và thực đơn ăn khoa học cho trẻ để các em phát triển một cách tốt nhất.
1. Chế độ dinh dưỡng cho học sinh tiểu học
Tiểu học (từ 6-12 tuổi) là giai đoạn trẻ cần sự quan tâm đặc biệt từ các bậc phụ huynh về chế độ dinh dưỡng. Bởi đây là lứa tuổi mà cơ thể và tâm lý trẻ bắt đầu được chuyển qua một giai đoạn mới rất quan trọng cho việc phát triển thể chất và tinh thần. Ăn uống khoa học và hợp lý ở giai đoạn này sẽ giúp trẻ thông minh, khoẻ mạnh và học tập tốt hơn.
Ở lứa tuổi này, nếu cho trẻ ăn uống quá mức sẽ dẫn đến béo phì, ngược lại nếu không cung cấp đầy đủ dưỡng chất, trẻ sẽ bị còi cọc, ốm đau. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ bị thiếu máu, hay buồn ngủ, dẫn đến việc học hành không hiệu quả. Do đó, các bậc phụ huynh cần có chế độ chăm sóc sức khoẻ đặc biệt, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để trẻ phát triển tốt.
Nhu cầu năng lượng cho một học sinh tiểu học dao động từ khoảng 1600 Kcal/ngày đến 2000 Kcal/ngày tùy theo từng độ tuổi. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm cơ bản như: chất bột, đạm (cả động vật và thực vật), chất béo (dầu ăn, vừng lạc). Ngoài ra, bạn nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả để cung cấp các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Cha mẹ nên cho trẻ ăn đúng bữa, tránh ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo ngọt trước bữa ăn.
2. Chế độ dinh dưỡng cho học sinh trung học
Trung học (13-18 tuổi) là giai đoạn trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì trẻ có sự tăng vọt về chiều cao và cân nặng nên nhu cầu về các chất dinh dưỡng rất cao. Chế độ dinh dưỡng cho học sinh trung học không chỉ đáp ứng đủ từ 2200 Kcal đến 2400 Kcal mỗi ngày mà còn phải bổ sung đầy đủ các chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Theo đó, mỗi ngày trẻ cần ăn đủ no 3 bữa chính, đặc biệt cần chú trọng bữa sáng để cung cấp đủ năng lượng cho việc học tập của trẻ.
Dậy thì là thời điểm hoàn thiện cơ thể, trẻ thường có nhu cầu ăn nhiều hơn giai đoạn tiểu học, nên các bậc cha mẹ cần chú ý việc cân đối chất dinh dưỡng và thực đơn ăn uống khoa học cho trẻ. Mỗi ngày trẻ cần được bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng như đạm, béo, tinh bột để trẻ đủ năng lượng hoạt động. Nếu không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết có thể khiến trẻ mất đi cơ hội phát triển chiều cao và thể chất một cách tốt nhất.
Để trẻ phát triển tốt về chiều cao, phụ huynh nên chú ý bổ sung canxi và khoáng chất cần thiết cho các em. Đặc biệt, các mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt đến các bé gái, bởi bước vào tuổi dậy, do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt nên các em cần được bổ sung lượng sắt cần thiết. Nếu thiếu sắt trẻ sẽ bị thiếu máu dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ,…ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Ngoài ra, dậy thì còn là lứa tuổi trẻ chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Đặc biệt các bạn nữ thường có xu hướng ăn ít hoặc nhịn ăn để có thân hình mảnh mai. Chính điều này sẽ khiến có em bị thiếu chất, dẫn đến suy nhược cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập và sinh hoạt.
Tư vấn dinh dưỡng cho trẻ là một vấn đề quan trọng mà các bậc làm cha làm mẹ cần quan tâm. Tùy theo từng lứa tuổi mà phụ huynh có chế độ chăm sóc khoa học và hợp lý cho trẻ. Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá bóng rổ, cầu lông, bơi lội,…để giúp trẻ phát triển toàn diện và học tập hiệu quả hơn.
Hy An