Chia sẻ tại hội thảo “Kỷ luật không đòn roi” do Trường Tây Úc tổ chức nhiều phụ huynh thừa nhận rằng dù biết đánh trẻ là sai nhưng vẫn không thể nào tìm ra cách để trẻ vâng lời.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trẻ con thường xuyên bị bạo hành có xu hướng sử dụng bạo lực trong tương lai. Đòn roi như con dao hai lưỡi vừa gây tổn thương trẻ vừa khiến việc dạy dỗ con cái đi theo chiều hướng tiêu cực. Vậy sai lầm thường gặp của phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con cái là gì, có đơn giản chỉ là những trận đòn roi lúc bé hay cả những lời nói và hành động vô tình làm tổn thương sâu sắc tâm lý của trẻ?
1. Vì sao con trẻ sợ đòn roi?
Trẻ con như một mầm cây non yếu cần được chăm sóc và bảo vệ đúng cách, bất kỳ một tác động xấu nào cũng có thể làm hỏng tương lai của trẻ. Cũng như người lớn trẻ con khao khát được bố mẹ yêu thương, thừa nhận những cố gắng, thành công mà trẻ đạt được trong cuộc sống. Dù với người lớn những việc làm của trẻ hết sức dễ dàng nhưng nếu biết cách tiếp nghị lực cho trẻ, trẻ mới có thể vươn cao, vươn xa và làm những điều vĩ đại nhiều hơn nữa.
Nhiều người nghĩ rằng trẻ con không biết gì, dễ khóc, dễ nín, nhanh quên những ai đánh đòn trẻ. Nhưng thật ra trẻ con yêu ghét rất rõ ràng, trẻ thích sự thoải mái tinh thần diễn ra hàng ngày, hơn là đánh đấm, mắng, chửi. Sử dụng đòn roi với trẻ càng đẩy trẻ ra xa tầm tay của cha mẹ hơn. Tuy còn nhỏ nhưng trẻ vẫn muốn được người lớn tôn trọng, không bị xúc phạm. Một lời nói, hành động không đúng chuẩn mực của cha mẹ sẽ như vết dao làm tổn thương sâu sắc tâm hồn trẻ.
2. Không lắng nghe trẻ
Một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất của các bậc làm cha làm mẹ trong quá trình nuôi dạy trẻ đó chính là không lắng nghe trẻ. Mỗi khi trẻ làm sai điều gì, chưa hỏi rõ nguyên do cha mẹ đã vội vàng la mắng, trút đòn roi, bực tức lên người con trẻ. Mọi hành động sai lầm đều có nguyên nhân của nó, thay vì quy chụp, phũ đầu trẻ các phụ huynh cần cho trẻ cơ hội nói ra vấn đề của mình. Quý phụ huynh có thể bắt đầu bằng câu: “Mẹ muốn con nói thật rõ ràng và nghiêm túc trước khi phạt con”.
3. Khăng khăng bắt trẻ theo ý mình
Dù trẻ con còn non nớt và chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống nhưng cha mẹ không nên bắt trẻ nghe theo ý mình và “đeo” vào người chúng cảm xúc mà người lớn muốn áp đặt. Các phụ huynh không thể nào đòi hỏi trẻ phải ngoan ngoãn; học giỏi nhất lớp; biết chăm sóc, nhường nhịn em; không vi phạm một lỗi lầm nhỏ nào trong cuộc sống;… Ông cha ta từ xưa đã có câu “nhân vô thập toàn” ngay cả người lớn cũng có lúc sai sót nói gì đến trẻ nhỏ. Phụ huynh không nên vì sự cầu toàn của mình mà đặt lên vai trẻ nhiều gánh nặng. Hiểu được điều này kiềm chế được cơn tức giận và không còn đánh trẻ mỗi khi trẻ có lỗi hoặc phạm phải sai lầm.
4. Hay chê bai, dùng từ gây nản chí đối với trẻ
Trong quá trình dạy trẻ, giúp trẻ tháo gỡ, sửa chữa khuyết điểm nhiều phụ huynh thường hay chê bai những phương án, đề xuất mà trẻ đưa ra. Bởi người lớn thường hay chủ quan rằng: “trẻ con biết gì mà nói” hay “những biện pháp vớ vẩn vậy làm sao giải quyết được vấn đề”,… Tuy nhiên dù giải pháp của phụ huynh có tuyệt vời đến đâu thì chính trẻ mới là người thực hiện điều đó. Hơn ai hết trẻ biết điều gì mình làm được, điều gì không làm được và đâu mới là thứ phù hợp với trẻ nhất. Phụ huynh nên tôn trọng ý kiến mà trẻ đưa ra, không nên chê bai, dùng những câu từ gây nản chí đối với trẻ.
Nếu không đồng ý với phương án của trẻ phụ huynh nên bổ sung và lái trẻ đi theo những biện pháp hiệu quả. Hãy cùng trẻ thảo luận để đưa ra phương án cuối cùng và lên kế hoạch thực hiện. Không nên ép trẻ thực hiện theo mệnh lệnh của mình, dù trẻ có làm theo nhưng đó chỉ là sự miễn cưỡng, hiệu quả đạt được sẽ không cao.
5. Đòn roi quá vội vã, thiếu kiểm soát
Do không đủ kiên nhẫn giải thích, cộng thêm áp lực cuộc sống, các bậc phụ huynh đã không tiếc tay đánh mắng trẻ, dùng đòn roi quá vội vã, thiếu kiểm soát. Đòn roi chỉ chấm dứt hành động sai trái của trẻ ngay lúc đó chứ không giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu trực tiếp đánh trẻ, cha mẹ đã tước mất cơ hội giúp trẻ nhận lỗi và sửa sai.
Để dạy dỗ và giúp con nên người, việc đánh đập, chửi mắng không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Phụ huynh nên dành nhiều thời gian nói chuyện, lắng nghe con trẻ, giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình, thay vì chăm chăm sử dụng đòn roi.
Thiên Thanh