Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong sáu năm đầu đời, khả năng sử dụng giác quan của trẻ phát triển rất nhanh, bởi các con luôn có nhu cầu khám phá thế giới thông qua các giác quan của mình. Trẻ càng sử dụng giác quan linh hoạt và thuần thục sẽ càng tiếp nhận được thông tin từ môi trường xung quanh và đưa ra quyết định tốt hơn, cũng như học hỏi nhanh hơn. Vì vậy, trong giai đoạn này, những bài học kích thích trẻ vận dụng giác quan sẽ giúp con phát huy tối đa trí tưởng tượng và hứng thú hơn với việc học.
Bằng việc kết hợp các phương pháp giáo dục hiện đại, ở trường, các giáo viên Tây Úc sẽ mang đến các bài học là những trò chơi tư duy rèn luyện kỹ năng và kích thích trẻ vận dụng các giác quan để có phản xạ tốt trong từng bối cảnh. Ví dụ, con được tham gia vào một vài hoạt động phân biệt bằng thị giác về độ lớn và vị trí (to, nhỏ, dày, mỏng, xa, gần) hay làm việc với các hình khối, phân biệt hình lập phương, hình nón, màu sắc và hình dạng các bộ phận (tam giác, hình chữ nhật)…
Các giác quan khác cũng được vận dụng tương tự khi trẻ chơi xếp hình, làm việc với bộ gõ hay các giáo cụ học tập đặc biệt để tự mình khám phá, thử nghiệm và tò mò tìm ra cách thức giải quyết vấn đề. Nhờ đó, con sẽ rút ra nhiều kiến thức, kinh nghiệm, sở thích và kỹ năng để định hình và phát triển khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của mình.
Đặc biệt, trong những năm tháng đầu đời, cha mẹ – những người thầy đầu tiên của con hãy tích cực phối hợp cùng nhà trường hỗ trợ trẻ vận dụng các giác quan để tiếp thu kiến thức, bằng cách cung cấp đồ chơi, đồ dùng học tập và các hoạt động phù hợp với niềm hứng thú tự nhiên của trẻ.
Khi trẻ bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, cha mẹ cần ở bên và giúp con hình thành thói quen thu nhận kiến thức bằng mọi giác quan. Chẳng hạn như cùng trẻ chơi trò chơi phân loại, xếp hình, nhận biết màu sắc, hình dáng…hay chơi trò lắp ráp, đóng vai đầu bếp, bác sĩ với các bộ đồ chơi thông minh… Có như vậy, con sẽ được phát huy tối đa tiềm năng để tự mình tìm hiểu và cảm nhận thế giới bên ngoài bằng nhiều cách khác nhau.
Thầy Stephen Zahra – Điều phối viên chương trình bang Tây Úc