Vào 09/04/2016 Hội thảo “Cùng con định hướng mục tiêu cuộc đời” do Hệ thống Trường Tây Úc tổ chức, với sự tham gia của Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang đã mang đến nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu cho những ai đang làm cha, làm mẹ trong việc giúp con xác lập mục tiêu cuộc đời rõ ràng, không lệch hướng để con cập bến thành công trong tương lai.
Trên thực tế ta thấy rằng: Có rất nhiều người có nhiều mơ ước nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Họ bị mất thời gian vào các hoạt động mơ hồ, không có đích đến… Tất cả dường như bị vùi lấp trong một mớ hỗn độn khó khăn và mất phương hướng cho việc tìm đường ra. Nguyên nhân là do không xác định được mục tiêu cuộc đời.
Do đó, để con cái có thể tha hồ vẫy vùng trong vùng biển rộng lớn ngoài kia, cha mẹ phải trang bị những kiến thức và tiếp thu các kinh nghiệm thiết thực nhằm giúp con tự xác lập cho mình những chiếc la bàn, ngay từ khi con còn ngồi trên ghế nhà trường. Và trong buổi hội thảo này, Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang đã chia sẻ “Cùng con lập mục tiêu cho cuộc đời không phải là áp đặt, bắt con vẽ tiếp ước mơ dang dở của mình; mà hãy trò chuyện cùng con để hiểu hết tâm tư nguyện vọng, chấp nhận sự không hoàn hảo và hướng con đến điều tốt hơn. Nếu xem bản đồ là một công cụ quan trọng trong chuyến đi, thì mục tiêu chính là điều kiện cần của một kế hoạch. Có được mục tiêu, kế hoạch mới được lập nên chi tiết cùng các ấn định về thời gian, giúp con tìm ra được những lối đi hiệu quả, đoán được những khó khăn tương lai, từ đó có sự chuẩn bị tốt cả về kiến thức và các kỹ năng cần thiết. Là bố mẹ, hãy luôn là người dẫn đường thông thái và là nhà tư vấn tâm lý luôn bên con những lúc khó khăn, thất bại.”
Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của chính mình đến các quý phụ huynh: “Theo quan điểm của riêng tôi, tôi không đề cao con trẻ phải đạt học sinh giỏi, hãy học theo mong muốn của con. Một lần con bị chấm thiếu điểm của một bài kiểm tra, tôi đã hỏi con rằng ”Con có muốn mẹ đến trao đổi với cô giáo không?” Bé trả lời không cần và nêu lý do “Con biết con làm đúng là được rồi mẹ ạ!”. Tức là con thật sự thoải mái với điều mình đang làm và chỉ chú trọng đến giá trị thực sự.
Câu chuyện “Đừng trồng củ sắn mà đòi ăn nhân sâm” từ bác giữ xe tại trường ĐH. Tôi không nghĩ rằng vợ chồng cô B lại có đứa con gái đang du học bậc tiến sĩ miễn phí tại nước ngoài. Vừa khâm phục vừa ngạc nhiên, tôi tò mò hỏi và nhận được câu trả lời : “Vợ chồng tôi đã chắt chiu từng đồng, không dám ăn, dám mặc, đi xe đạp để con học tiếng Anh từ bé, ở mỗi bậc học tôi động viên con và cùng con vạch những bước tiến cụ thể để có được thành công ngày nay”. Như vậy, không cần là bác sĩ cũng không phải là doanh nhân…, bất cứ cha mẹ nào cũng có thể nhìn được điểm đến trong tương lai và vạch ra con đường đạt được chúng.
Cuối cùng, đừng đem mong muốn hay ước mơ dở dang của mình áp lên đôi vai bé nhỏ. Chúng chỉ thành công khi chúng thực sự làm những điều mình thích.”
Chúng ta đều hiểu trẻ con sinh ra không phải để trở thành những vĩ nhân hay các nhà bác học tầm cỡ thế giới. Các con cũng có những điểm không hoàn hảo và thiếu sót. Qua buổi chia sẻ cùng Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang ngày hôm này, Hệ thống Trường Tây Úc mong rằng, bố mẹ sẽ luôn là những vị thuyền trưởng thông thái, cùng con định vị được mục tiêu của cuộc đời và lái con thuyền mang tên tương lai cập bến tốt đẹp.