Ngày nay, dễ thấy rằng giới trẻ luôn biết tiếp thu những kiến thức mới, những xu hướng hiện đại ở mọi nơi. Tuy nhiên, về khía cạnh chú trọng vun đắp cho mình một tâm hồn, một cách sống đẹp… dường như đã bị lãng quên. Do đó, WASS mong muốn thông qua buổi triển lãm thơ từ ngày 20-21/03/2016 sẽ giúp lan tỏa đến các em học sinh những thông điệp ý nghĩa về sự hạnh phúc và sẻ chia, về những vần thơ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và biết trân trọng những điều bé nhỏ trong cuộc sống.
Xã hội ngày càng hiện đại, tuổi thơ dần mất đi. Nhận định đó dường như đúng khi đâu đâu cũng là cảnh trẻ em lướt Ipad, điện thoại, laptop… Việc đọc một tác phẩm thơ, văn học dần dần bị mai một và được giới trẻ đánh giá là “quê mùa”, “khô khan”, và “không hợp mốt”… Chả trách tội phạm ngày một tăng dần và trẻ hóa về độ tuổi. Vậy vì đâu nên nỗi này? Phải chăng tâm hồn các em đã không được nuôi dưỡng và định hướng đúng đắn? Là một nhà giáo dục, WASS luôn mong muốn và mang đến cho các em học sinh những lớp học không tường thực tế đầy thú vị, những bài học giáo dục tính cách bổ ích, để các em có thể lớn lên đúng với lứa tuổi và xây dựng cho mình một vẻ đẹp tâm hồn hoàn thiện.
Buổi triển lãm thơ với các vần thơ mang hơi thở hạnh phúc là một trong những hoạt động nuôi dưỡng tâm hồn mà WASS tổ chức trong tháng 3 này – nhằm chào mừng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/03) và Ngày Thơ thế giới (21/03). Tại đây, các WASSers có dịp tìm hiểu về các nhà thơ nổi tiếng thế giới cùng với các sắc màu, phong cách nghệ thuật và ngôn ngữ riêng như:
Rabindranath Tagore, tên gọi khác là Rabindranath Thakur (1861-1941) là một nhà thơ Bengal nổi tiếng, một triết gia Balamon và nhà dân tộc chủ nghĩa. Giải thưởng Nobel văn học 1913 đã giúp ông trở thành người châu Á đầu tiên đạt giải thưởng vinh dự này. Ngoài ra ông còn được xem là người có tầm ảnh hưởng đến văn học của Ấn Độ, Bangladesh nói riêng và cả thế giới nói chung.
Victor Hugo (1802 -1885) không chỉ được biết đến với tư cách là nhà thơ, nhà văn vĩ đại của Pháp, với các tác phẩm toát lên tinh thần nhân đạo rộng lớn, tình yêu thương cao cả với những tầng lớp xã hội nghèo khổ; mà còn là một chính trị gia gần như trọn đời ủng hộ tầng lớp người cùng khổ và cuộc cách mạng đấu tranh dân chủ tại đất nước này.
Matsuo Basho (1644 – 1694) là thi sĩ, thiền sư lỗi lạc của thời Edo, Nhật Bản. Ông được xem là người khai sinh ra thơ Haiku và sau đó được Yosa Buson, Masaoka Shiki hoàn thiện thêm về diện mạo. Thơ Haiku được xem là loại thơ ngắn nhất thế giới và là loại thơ độc đáo của Nhật Bản. Thể loại thơ này cũng mang tính quốc tế, được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước Nhật quan tâm sâu sắc.
Aleksandr Sergeyevich Pushkin (1799 – 1837) là đại thi hào, Mặt trời thi ca Nga. Ông có đóng góp to lớn cho nền văn học Nga hiện đại và là biểu tượng của sự lãng mạn ở Nga vào thế kỷ thứ 19.
Nguyễn Du (1766 – 1820) là đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới (được UNESCO công nhận vào 1965). Ông có sự đóng góp rất lớn về tư tưởng và nghệ thuật thơ cho nền văn học trung đại Việt Nam.
Và không thể thiếu những vần thơ mang chủ đề hạnh phúc…
Buổi triển lãm đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng WASS và quý phụ huynh học sinh. Đủ để thấy rằng: trong lòng mỗi người vẫn còn niềm đam mê văn học – cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và giúp ta biết trân quý hơn mọi điều trong cuộc sống. “Con người có thể khuyết tật về cơ thể nhưng khuyết tật ở tâm hồn là điều đáng sợ nhất” và hạnh phúc chỉ thật sự đến khi ta biết lan tỏa, nhân rộng điều đó ra với cộng đồng quanh ta.