Trong xã hội hiện đại khi vấn đề nhân quyền được đề cao thì cách dạy con bằng đòn roi không còn phù hợp. Kỷ luật bằng đòn roi như một con dao hai lưỡi, vừa làm tổn thương trẻ vừa khiến cha mẹ đau lòng, đứa trẻ bị đánh không biết sửa sai mà càng phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng.
1. Dùng roi từ thuở lên ba
Với phương châm “Uốn cây từ thuở còn non – Dạy con từ thuở con còn lên ba” nên anh Duy Quang (Q. Bình Thạnh) không ngại ngần dùng đòn roi cho bé Min ngay từ lúc còn nhỏ. Để ngăn con làm việc gì có thể gây nguy hiểm cho bé như nghịch nước, thò tay vào ổ điện, động vào dao kéo, bếp ga,… anh Quang sẽ dùng roi trước. Nhà anh Quang kinh doanh nên có rất nhiều ổ điện và đều lắp rất thấp nên bé Min có thể thò tay vào bất kỳ lúc nào. Chỉ cần bé đi lại gần ổ điện, anh ngay lập tức lấy thước kẻ đánh vào chân và tay bé thật đau để bé nhớ mà tránh. Sau hai lần bị bố đánh đòn khi mon men nghịch hộp điện, giờ cậu con 2 tuổi của anh không dám thò tay vào. Anh khoe, chỉ cần bị đánh vài lần là bé sẽ sợ và tránh xa chỗ đó, sau này mình không phải giải thích lằng nhằng.
Cũng giống như anh Quang, chị Minh Tâm (Q.Phú Nhuận) phát hiện ra rằng dùng đòn roi nói chuyện với bé nhanh hơn và đỡ tốn công hơn là giải thích. Bé nhác ăn, nghịch phá, không dọn dẹp đồ chơi, chỉ cần đánh vào mông là bé nghe lời răm rắp. Nhưng càng lớn những trận đòn roi của chị càng không mấy hiệu quả. Thậm chí bé còn trả treo với mẹ: “Mẹ đánh con cũng chẳng sợ vì mẹ đánh không đau”. Vì giận con chị còn nhờ chồng ra tay giúp. Đòn của bố rất mạnh, đánh lần nào là mông bé tím bầm lần ấy.
Con ngoan chưa thấy đâu nhưng chị Tâm nhận rõ một kết quả là bé bắt đầu đánh em trai mình. “Hôm trước cậu em lấy sách của chị ra tô màu, bị chị dùng ngay giày cao gót của mẹ đập vào lưng em, vừa đánh vừa quát em “Nhớ chưa, nhớ chưa” y như giọng của bố mỗi lần đánh bé”, chị Tâm lo lắng.
2. Cổ vũ bạo lực
Trẻ con vốn rất ngây thơ và thường bắt chước theo những hành động của người lớn dù đó là việc tốt hay xấu. Các bậc phụ huynh dùng đòn roi với trẻ đồng nghĩa với việc ủng hộ trẻ sử dụng bạo lực trong tất cả các trường hợp. Đa phần người lớn nghĩ rằng “trẻ con còn nhỏ, giải thích sao chúng hiểu được”, hay “thương con phải cho roi cho vọt, ngày xưa mình cũng bị cha mẹ đánh nên giờ mới tốt thế này”. Tuy nhiên, đòn roi chỉ có tác dụng đe dọa trẻ, khiến trẻ sợ ở thời điểm hiện tại chứ chưa thật sự giải quyết được vấn đề. Khi không còn biện pháp nào để giáo dục con, đánh con là thể hiện sự bất lực của bố mẹ.
Ngày xưa ông cha ta có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, tuy nhiên do cách hiểu máy móc roi vọt theo nghĩa đen của cha mẹ khiến không ít phụ huynh không ngại dùng đòn roi để dạy con. Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn, ra ngoài sẽ dễ gây gổ, đánh nhau với người khác. Hầu hết trẻ sớm đi vào con đường phạm tội hay nghiện ngập đều do cha mẹ dạy dỗ không đến nơi đến chốn và thường xuyên bị đánh đòn. Sự nghiêm khắc trong giáo dục không nhất thiết phải đi kèm với đòn roi, nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Càng đánh con khoảng cách giữa cha mẹ và con cái càng xa cách.
3. Tổn thương tâm lý lâu dài
Theo các nhà khoa học, những trẻ thường xuyên bị đánh đòn sẽ bị tổn thương tâm lý lâu dài. Thay vì la mắng đánh đập, cha mẹ nên bình tĩnh lắng nghe nỗi niềm, quan điểm của trẻ. Nếu chúng làm sai thì cần chỉ bảo, giải thích cụ thể cho trẻ hiểu điều gì đang xảy ra, để từ đó trẻ ý thức được việc mình làm là sai trái và cố gắng sửa chữa. Hoặc cũng có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng không gây tổn thương mà khiến trẻ nhớ lâu thì hiệu quả hơn những trận đòn roi.
Sống trong môi trường nghiêm khắc, thường xuyên lạm dụng đòn roi khiến trẻ bị “khuyết tật” tâm hồn, mắc phải chứng căng thẳng, lo sợ, khủng hoảng tâm lý, không ít trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm. Những ký ức về trận đòn roi sẽ ám ảnh trẻ mãi về sau. Bé Anh Quân (8 tuổi, Q.3) buồn bã chia sẻ: “Con thường hay bị bố mẹ đánh khi làm sai điều gì nhưng con hứa là con không hề cố ý, mỗi lần bị đánh con thấy buồn lắm”.
Khi đánh trẻ, cha mẹ sẽ mất đi cơ hội giúp trẻ sửa chữa hành động sai trái và học được cách cư xử tốt hơn. Ngoài ra, đánh con thường xuyên sẽ làm cho mọi việc tệ hơn chứ không cải thiện được hành xử của con. Chịu đòn roi nhiều có thể khiến trẻ chịu áp lực tâm lý, dẫn đến các hành động như lừa dối, ăn cắp, bắt nạt hoặc hành hung người khác. Ngoài ra, trẻ con rất hiếu động, thích khám phá thế giới nhưng với người lớn đó là hành động nghịch phá rất đáng đánh đòn. Những trận đòn roi không chỉ hình thành nên một nhân cách xấu cho đứa trẻ mà còn ngăn cản sự phát triển và hoàn thiện khả năng tư duy của não bộ, làm ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Trong xã hội tiến bộ ngày nay, việc không dùng đòn roi với con cái đang là một kiểu mẫu giáo dục lý tưởng nhiều ông bố bà mẹ muốn hướng tới.
Nhằm cung cấp cho các bậc phụ huynh những kiến thức dạy con khoa học, ngày 29/3 sắp đến, Trường Tiểu học và Trung học Tây Úc sẽ tổ chức hội thảo: “Kỷ luật không đòn roi trong dạy trẻ” với sự tham gia của diễn giả PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam nhằm chia sẻ các phương pháp giúp các bậc phụ huynh kiềm chế cơn tức giận, giáo dục con hiệu quả, để trẻ trưởng thành lành mạnh và phát triển toàn diện.
Thông tin hội thảo:
Chủ đề: “Kỷ luật không đòn roi trong dạy trẻ”
Diễn giả: PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Thời gian: 9h00 – 11h00, sáng chủ nhật 29/03/2015
Địa điểm: Hội trường toà nhà Indochina, 157 Lý Chính Thắng, p7, Q3, TP. Hồ Chí Minh
Ngay từ bây giờ, bạn có thể đăng ký tham gia miễn phí hội thảo: “Kỷ luật không đòn roi trong dạy trẻ” qua đường dây nóng: 0963.999.701 – 0963.999.702 – 08.6290.5076. 50 phụ huynh đăng ký đầu tiên sẽ nhận được một vé MIỄN PHÍ tham gia khu vui chơi trẻ em Kizworld trị giá 220.000đ.
Ái Linh
Bài viết khác
Liên hệ
Liên hệ với chúng tôi để được giải đáp các thắc mắc và tư vấn tuyển sinh: