Ông cha ta từng nói “phi thương bất phú, không làm chủ thì khó có thể làm giàu”. Để trở thành một doanh nhân thành đạt, cha mẹ cần rèn giũa tinh thần và nghiệp vụ cho con. Dưới đây là sáu bí quyết giúp các bậc phụ huynh bồi dưỡng các phẩm chất doanh nhân của con mình.
Trong nền kinh tế tự do đang phát triển, việc trở thành một doanh nhân là điều không hề khó nếu như được bồi dưỡng các phẩm chất doanh nhân ngay từ bé. Để truyền cảm hứng kinh doanh cho trẻ, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ cách giải quyết vấn đề hiệu quả, có thái độ tích cực với thất bại và thoải mái với những rủi ro. Việc uốn nắn hành vi của trẻ, rèn luyện kỹ năng cảm xúc có tác động lớn đến kết quả trẻ có thể trở thành một doanh nhân hay không.
1. Giải quyết triệt để vấn đề
Trước khi dạy cho trẻ cách tìm ra các ý tưởng kinh doanh, các phụ huynh cần bồi dưỡng cho trẻ kỹ năng giải quyết triệt để các vấn đề diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Khi các rắc rối xảy đến trong cuộc sống của trẻ ví dụ như mất cặp sách, hỏng đồ chơi hay bị bạn bè chơi xấu, … hãy cùng trẻ vạch ra các giải pháp, cân nhắc ưu, nhược điểm và chọn ra giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Khác với người lớn, trẻ nhỏ rất ít kinh nghiệm và khả năng phân tích cũng hạn chế. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần phải đơn giản hóa những việc cần phải làm để giải quyết vấn đề nhằm giúp trẻ dễ dàng lựa chọn. Hãy hỏi trẻ lý do tại sao lại lựa chọn như vậy thay vì đưa ra ý kiến và tự quyết theo cách của người lớn, như vậy trẻ sẽ không tiến bộ được.
2. Lớn lên từ thất bại
Con đường kinh doanh không phải là thảm đỏ mà là nơi có đầy chông gai, thử thách. Trên bước đường đi đến thành công trẻ sẽ gặp không ít khó khăn, thất bại. Để trẻ không còn bỡ ngỡ, nản chí, các bậc làm cha, làm mẹ cần dạy trẻ cách sẵn sàng thử – chấp nhận thất bại – học tập và thử lại lần nữa. Đây là một trong những kỹ năng thiết yếu mà một doanh nhân nào cũng cần phải có, dám nghĩ dám làm và lớn lên từ thất bại.
Để làm được điều này, hãy dạy trẻ cách xem những lời chỉ trích, phê bình là cơ hội học tập. Các phụ huynh cũng nên động viên con và bắt tay cùng con lên ý tưởng cho những dự án mới.
3. Quyết định của con là gì?
Các quyết định đầy tự tin của một doanh nhân khởi nguồn từ việc tự lập từ sớm. Hãy cho trẻ tự quyết định trang phục, món ăn, bạn bè,… của mình. Nếu sống theo sự sắp đặt của cha mẹ trẻ sẽ không có chính kiến và không dám nói lên suy nghĩ thật của chính mình. Trẻ con có những lý do của chúng chính vì vậy hãy để trẻ quyết định và chịu trách nhiệm với những lựa chọn của mình.
4. Nuôi dưỡng ý thức làm chủ
Những người thành đạt khi dạy con cách trở thành doanh nhân thường động viên con làm việc như một doanh nhân thực sự. Điều đó có nghĩa là sử dụng đầu óc để làm việc hiệu quả chứ không phải chăm chỉ dùng hết quỹ thời gian của mình để giải quyết một vấn đề.
Để trở thành một ông chủ, trẻ phải biết các tiết kiệm tiền để làm vốn kinh doanh và tạo ra lợi nhuận từ số vốn đó. Những doanh nhân thành đạt có cách đối xử với thời gian hoàn toàn khác. Họ mua thời gian trong khi những người ít tiền hơn phải bán đi thời gian của họ. Hãy dạy trẻ cách đối nhân xử thế, sử dụng lao động sao cho hiệu quả để thực hiện tốt mục tiêu của mình.
5. Làm chủ nỗi sợ hãi
Các doanh nhân thường chấp nhận những rủi ro lớn, nhưng để cảm thấy thoải mái với những việc không chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Hãy dạy trẻ cách giữ lửa niềm khát vọng, dám thử nghiệm để biết giới hạn của mình đến đâu và làm chủ nỗi sợ hãi ngay khi còn nhỏ.
Khi trẻ đối mặt với một tình huống nguy hiểm, trước tiên bạn hãy giúp trẻ, sau đó để trẻ tự lập. Cha mẹ cũng như nhà trường nên đưa ra các nhiệm vụ có độ khó tăng dần. Điều này giúp cho trẻ có cơ hội phát triển bản thân, nâng cao năng lực của trẻ.
6. Con có ý tưởng nào hay không?
Trẻ em thường được dạy là phải làm theo các nguyên tắc một cách mù quáng, đây là một thói quen làm hạn chế khả năng làm doanh nhân. Thay vào đó, hãy hỏi xem theo trẻ những nguyên tắc nào cần phải thay đổi và lý do tại sao? Trẻ có phương án nào thay thế không? Dạy con luôn biết cách nghĩ ra những ý tưởng mới sẽ giúp trẻ thông minh hơn, biết đâu chừng trong những ý tưởng đó lại có một ý tưởng có thể dùng để kinh doanh và tạo nên lợi ích.
Để con trẻ có thể trở thành doanh nhân, ngoài sáu bài học hữu ích trên các bậc làm cha làm mẹ cần dành nhiều thời gian trò chuyện, khơi gợi niềm đam mê kinh doanh trong trẻ. Thay vì cho trẻ một số vốn lớn hãy dạy chúng cách phân biệt, chọn lọc những giá trị tốt, cách theo đuổi niềm đam mê, cách vượt qua những thất bại để đạt đến thành công. Việc uốn nắn hành vi của trẻ, rèn luyện kỹ năng cảm xúc có tác động lớn đến kết quả trẻ có thể trở thành một doanh nhân hay không.
Dao Ánh