Thầy Gustavo Páez, Hiệu trưởng Chương trình Tích hợp Quốc tế toàn phần tại Hệ thống Trường Tây Úc, chia sẻ về tầm quan trọng của tư duy cởi mở cũng như phương pháp xây dựng và áp dụng tư duy này vào từng thời điểm phù hợp.
Tháng trước, chúng ta đã cùng nhau suy ngẫm về đặc điểm của tư duy cởi mở. Tuy rằng thuật ngữ này đã không còn quá xa lạ nhưng cách để áp dụng nó thay đổi rất nhanh tùy vào từng hoàn cảnh và nhu cầu.
Một người cởi mở không chỉ chấp nhận thực tế mà còn đặt bản thân vào vị trí của người khác và bỏ qua chủ nghĩa cá nhân vẫn thường chi phối hành động của chúng ta.
Ngày nay, chúng ta phải nhận rất nhiều những đánh giá khác nhau dựa trên khoảng cách thế hệ, quản lý công nghệ và bối cảnh văn hóa. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình và nhìn thế giới xung quanh dưới một góc nhìn khác, tôn trọng sự đa dạng và chấp nhận những điều mà chúng ta chưa biết. Nếu thực hiện được điều đó, đây là cách hiệu quả để chúng ta học hỏi lẫn nhau.
Thầy muốn chia sẻ một bài viết từ chuyên gia tâm lý Kendra Cherry về chủ đề “Làm thế nào để xây dựng tư duy cởi mở và Tầm quan trọng của việc này”.
Thông thường, “tư duy cởi mở” được sử dụng như một từ đồng nghĩa với việc không có thành kiến hoặc khoan dung. Xét từ góc độ tâm lý học, thuật ngữ này được sử dụng để mô tả mức độ sẵn lòng của mọi người trong việc xem xét những quan điểm khác nhau hay thử thách ở những trải nghiệm mới lạ.
Tư duy cởi mở liên quan đến việc tiếp thu nhiều ý tưởng, lập luận và thông tin đa chiều. Cởi mở thường được xem là một phẩm chất tích cực, là yếu tố cần thiết để suy nghĩ chín chắn và hợp lý hơn. Tư duy cởi mở cũng bao gồm việc đặt ra những câu hỏi và chủ động tìm kiếm những thông tin mà bản thân chưa rõ. Đồng thời, tư duy này còn khuyến khích mọi người nên được tự do bày tỏ ý kiến và lập luận của mình, ngay cả khi chúng ta không đồng tình với quan điểm đó.
Không dễ để có một tư duy cởi mở. Cởi mở với những ý tưởng và trải nghiệm mới đôi khi sẽ dẫn đến những nhầm lẫn và bất đồng về nhận thức khi những điều mới mâu thuẫn với những niềm tin hiện có. Chấp nhận thay đổi những niềm tin đã lỗi thời hoặc không còn chính xác là một phần quan trọng của quá trình học tập và phát triển của mỗi cá nhân.