Chương trình kĩ năng sống của WASS được xây dựng dựa trên những quan điểm giáo dục của trường kết hợp với 12 nguyên tắc của UNESSCO. Chủ đề chính trực là chủ đề bắt đầu của tháng tám- tháng đầu tiên khi trẻ đến trường. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề này được chọn để dạy đầu năm học.
Trong xã hội ngày nay, nhiều đức tính quý của con người đang bị mai một dần. Do vậy, để giúp học sinh phát triển không chỉ về trí tuệ, mà còn về nhân cách sống, giáo viên khối Tiểu học đã xây dựng các bài giảng kỹ năng sống phù hợp và thiết thực với học sinh. Mười hai tháng là mười hai chủ đề khác nhau, trong đó bắt đầu là chủ đề “Chính trực”.
Chính trực là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Chính trực là đức tính quý để giúp con người thành công và được xã hội tôn trọng. Để hình thành đức tính này ở học sinh, điều này không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Đối với học sinh Tiểu học, thì tính chính trực đơn giản là: biết nhận lỗi và sửa lỗi, trả lại của rơi và trung thực trong học tập…
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sau những câu chuyện, tình huống thường gặp trong cuộc sống, học sinh đã tự rút ra được những bài học cho bản thân. Các em cũng được thực hành đóng vai, kể chuyện, chơi trò chơi… để khắc sâu kiến thức và hình thành kĩ năng, nhân cách sống. Có thể thấy, việc học tập của học sinh rất nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung mà giáo viên cần truyền đạt. Hơn nữa, hình thức hoạt động cá nhân kết hợp hoạt động nhóm cũng giúp các em rèn luyện sự tự tin, cùng kĩ năng giao tiếp và làm việc tập thể. Mỗi bài học không chỉ được đầu tư kĩ về nội dung mà còn được thiết kế rất đẹp mắt, hình ảnh rõ nét, video sinh động khiến các em thích thú khi học.
Sau các bài học, học sinh đã trưởng thành hơn, biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi khi khiến cô giáo buồn, chạy va vào người khác hay khi làm đổ mực lên áo bạn, biết trả lại đồ dùng khi nhặt được ở trong lớp, trường, nơi khác…, không nói dối, coppy bài bạn khi mình không làm bài…
Qua trao đổi với một số phụ huynh, các bậc cha mẹ cũng đã nhận thấy những thay đổi tích cực trong hành động, tích cách của trẻ sau các bài học. Trẻ biết nhận lỗi, không chối bỏ trách nhiệm của mình khi làm bố mẹ buồn, lo lắng; khi làm vỡ bình hoa, ly nước; khi làm sai một điều gì đó… Họ cảm thấy vui, hạnh phúc vì điều đó, đồng thời ủng hộ nhà trường trong việc giáo dục trẻ.