Thầy Gustavo Páez – Hiệu trưởng Chương trình Tích hợp Quốc tế toàn phần tại Hệ thống Trường Tây Úc – chia sẻ về tầm quan trọng của sự cân bằng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, thầy cũng lưu ý một số phương pháp Phụ huynh và Nhà trường có thể áp dụng để hỗ trợ các em học sinh có những trải nghiệm toàn diện và cân bằng nhất trên hành trình trưởng thành của mình.
Trong những tháng vừa qua, Nhà trường đã khuyến khích học sinh phát triển nhiều giá trị của sự cân bằng và tư duy. Dù cho những yếu tố này dường như là phẩm chất vốn có của tất cả mọi người, nhưng việc thật sự tiếp cận sự cân bằng và suy nghĩ cẩn trọng ngày nay vẫn là điều khiến tất cả chúng ta quan tâm.
Có được trạng thái cân bằng trong mọi việc và tự mình trở thành một người biết cách cân bằng trong cuộc sống có lẽ là một trong những mục tiêu đáng mơ ước trong bối cảnh cuộc sống thường nhật của chúng ta đang trở nên hối hả hơn bao giờ hết.
Mặt khác, việc trở thành một người suy nghĩ thấu đáo đòi hỏi chúng ta không chỉ cần rèn luyện trí thông minh mà còn phải tìm hiểu tường tận về kiến thức và cách tiếp nhận chúng. Bên cạnh việc chia sẻ kiến thức, chúng tôi tin rằng mình đang tạo những cơ hội tốt nhất cho các em học sinh với khả năng làm chủ tri thức, suy ngẫm về thực tại thông qua suy nghĩ, ý tưởng và niềm tin của các em.
Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ bài viết của Reagan Fausett về chủ đề “Tại sao sự Cân bằng lại quan trọng trong cuộc sống?”:
Bạn có bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình có đôi chút mất cân bằng? Rất có thể bạn đang dành quá nhiều thời gian ở văn phòng và có quá ít thời gian để nghỉ ngơi. Hoặc có thể do bạn đang quá áp lực đến mức suy sụp. Có lẽ các bạn nghĩ rằng họ có thể vượt qua và tiếp tục cuộc sống, nhưng trước tiên, hãy xem xét một số lý do tại sao sự cân bằng lại quan trọng với bạn và con cái cũng như một số mẹo nhỏ để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.
Tại sao sự cân bằng lại quan trọng trong cuộc sống?
Nếu bạn là một người quá căng thẳng hoặc luôn trong tình trạng thiếu ngủ, hãy xem qua một vài lý do tại sao bạn nên cân bằng lại cuộc sống của mình.
1. Giảm thiểu căng thẳng
Khi bạn cảm thấy áp lực quá mức ở một hay nhiều khía cạnh trong cuộc sống, điều đó sẽ gây nên rất nhiều sự căng thẳng không cần thiết. Tất nhiên, áp lực cũng tạo nên một số tác động tích cực nhưng không nên ở một mức độ quá cao trong suốt thời gian dài. Khi cuộc sống được cân bằng, mức độ căng thẳng sẽ được giảm thiểu. Bạn không ngủ đủ giấc? Hãy ưu tiên việc đó và bắt đầu đi ngủ sớm hơn. Bạn đã đảm nhận quá nhiều dự án tại nơi làm việc? Hãy bắt đầu ủy quyền những công việc nhỏ của mình, đừng tự mình thực hiện tất cả.
2. Cải thiện sức khỏe
Xây dựng cuộc sống cân bằng giúp cải thiện sức khỏe tổng quát của bạn. Khi đó, bạn có đủ thời gian để chăm lo cho cơ thể mình. Bạn có thể ưu tiên cho những việc như ăn kiêng, tập thể dục và thiền thay vì phải hối tiếc vì không bao giờ có thời gian để chăm sóc bản thân. Một cuộc sống cân bằng không chỉ giúp bạn có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân, mà còn có thể loại bỏ những tác động tiêu cực đến sức khỏe như thiếu ngủ hay căng thẳng quá độ.
3. Tăng hiệu suất công việc
Chúng ta đều biết rằng làm việc trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, đói bụng hay khó chịu là rất khó khăn. Chúng ta thường hay nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục, chúng ta sẽ hoàn thành công việc dù cho có mệt mỏi thế nào, nhưng thực tế là, nếu dành thời gian nghỉ ngơi, chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Cố chấp với công việc chỉ khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng và khó chịu chứ không khiến công việc tốt hơn. Vì vậy, hãy cân bằng lại cuộc sống của mình – dành thời gian nghỉ ngơi khi cần thiết và lắng nghe cơ thể.
Làm thế nào để cân bằng cuộc sống?
“Cân bằng” nghe có vẻ khó để tìm thấy như suối nguồn tươi trẻ, nên chúng ta thường hay tự hỏi liệu có thể có một cuộc sống cân bằng. Hãy cùng xem xét một số cách sau đây nhé!
1. Đồng điệu với cảm xúc của bản thân
Tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống không hề dễ dàng, nhưng nó sẽ dễ hơn một chút nếu các bạn không đẩy nhu cầu và cảm xúc của bản thân cách xa nhau. Là cha mẹ, bạn thường xuyên đặt nhu cầu của con cái lên trên nhu cầu của bản thân, nhưng nên nhớ rằng, bạn sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của người khác nếu bạn không thể tự đáp ứng cho bản thân. Bạn cần chắc chắn rằng mình ổn trước khi giúp đỡ người khác. Do đó, hãy lắng nghe cảm xúc và đáp ứng những nhu cầu của bản thân trước. Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy chợp mắt một lát. Nếu đói, hãy ăn chút gì đó. Nếu cần một kỳ nghỉ, hãy sắp xếp công việc và thực hiện nó.
2. Ưu tiên
Sẽ thật lộn xộn nếu như bạn đặt mọi thứ trong cuộc sống với mức độ ưu tiên giống nhau. Thông thường, sẽ khó để nhận ra nhưng có một số thứ sẽ quan trọng hơn những điều khác. Nếu bạn đang làm hàng triệu việc “quan trọng” cùng một lúc, hãy dừng lại, dành chút thời gian để suy nghĩ “Đâu là việc thực sự có thể đợi đến ngày mai mới hoàn thành?”. Bạn hoàn toàn có thể ưu tiên một số việc hơn những việc khác, qua đó giúp cuộc sống dễ dàng sắp xếp hơn.
3. Không thể làm hài lòng tất cả
Cùng với việc sắp xếp thứ tự ưu tiên, hãy đảm bảo rằng bạn không cố gắng làm tất cả mọi người hài lòng. Cố gắng tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn nếu bạn tự tạo thêm việc cho bản thân. Không ai trong chúng ta muốn làm cho người khác thất vọng, nhưng đôi lúc đó là việc cần làm để giữ sự cân bằng cho bản thân. Nếu có quá nhiều thứ phải làm, bạn sẽ trở nên căng thẳng hơn. Hãy tự làm hài lòng bản thân và tập từ chối để có thể giữ sức khỏe và sự tỉnh táo của mình.
Nếu bạn hướng dẫn con mình đạt được sự cân bằng trong cuộc sống ngay từ bây giờ, các con sẽ có được kỹ năng quản lý cần thiết để không gặp phải những vấn đề tương tự, tránh khỏi cuộc sống quá căng thẳng và áp lực. Các em chắc chắn sẽ muốn tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa nhưng hãy giúp các em đặt ra những ưu tiên để không phải làm quá nhiều việc một lúc. Quý Phụ huynh có thể tham khảo thêm những mẹo giúp con em mình đặt ra những ưu tiên và có được một cuộc sống cân bằng thông qua ứng dụng Troomi!