Trong Bảng tin Tháng 10, thầy Gustavo Páez – Hiệu trưởng Chương trình Quốc tế tại Hệ thống Trường Tây Úc – sẽ chia sẻ về quá trình tìm tòi, học hỏi và tiếp nhận những kiến thức mới. Qua bài chia sẻ, thầy khuyến khích các em học sinh tại WASS tích cực hơn trên hành trình tìm kiếm tri thức của mình.
Quá trình tìm tòi và khám phá không chỉ dừng lại ở việc tiến hành nghiên cứu hoặc tham khảo về một chủ đề mà còn mở rộng nhu cầu hiểu và kết nối các ý tưởng tiềm ẩn trong tương tác nhận thức hàng ngày.
Quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng bách khoa toàn thư sang các công cụ tìm kiếm trên Internet mang đến sự thay đổi lớn về mặt thông tin, và trên hết là tính xác thực và chính xác của những thông tin thu được.
Khả năng nhận biết và phân biệt giữa thông tin hợp lệ và thông tin liên quan là trách nhiệm mà các nhà giáo dục hiện nay đảm nhận nhằm tránh được việc thỏa mãn sự tò mò bằng những thông tin hời hợt mà chúng ta tìm thấy.
Thói quen đặt câu hỏi về thông tin nhận được không nên được xem là hành động tiêu cực mà đó là trách nhiệm với kiến thức, khẳng định niềm tin về những gì đã được học và chia sẻ.
Đặt câu hỏi về thế giới xung quanh và mong muốn tìm hiểu căn nguyên của mọi việc là bước đầu tiên để hình thành khả năng tìm tòi, khám phá.
Tôi muốn chia sẻ một ấn phẩm của Jal Mehta, giáo sư tại Trường Sau đại học về Giáo dục Harvard với chủ đề “Tầm quan trọng của việc loại bỏ những kiến thức cũ trong việc Học sâu”:
Một trong những điều ít khi chúng ta nhắc tới là những nhận thức vốn đang tồn tại sẽ cản trở việc hình thành nên những kiến thức và sáng kiến mới mẻ. “Học sâu” là quá trình thể hiện rõ nhất điều đó.
Học tập về cơ bản là một quá trình rất dễ bị tổn thương. Đó là sự thừa nhận rằng kiến thức mà mỗi cá nhân có được là chưa đủ, việc học hỏi thêm những kiến thức và thông tin mới là cần thiết.
Ở bậc đại học, đây là một quá trình hiển nhiên và không thể thiếu. Nếu một học sinh kết thúc khóa học của mình và khẳng định rằng “Em đã nghĩ rằng mình biết về kiến thức này trước đây, nhưng đến bây giờ mới nhận ra mình có quá nhiều điều chưa biết về nó”, đây thật sự là một thành công với các giáo viên. Quá trình học tập nghiêm túc sẽ đòi hỏi việc đặt ra thách thức cho chính những điều mà bản thân người học tin rằng họ đã biết trước đây, điều này có thể gây lo lắng và thậm chí làm mất ổn định trong khoảng thời gian ngắn. Đến cuối cùng, nhận thức của cá nhân sẽ được kết tinh và phát triển thành một trạng thái mới, hứa hẹn cân bằng và phong phú hơn. Kiến thức mới này sẽ được tiếp nhận, cho đến khi có thêm những sự kiện khác ảnh hưởng tới nó.
Thầy Gustavo Páez
Hiệu trưởng Chương trình Quốc tế Bang Tây Úc