Năm học đổi mới sáng tạo theo chủ đề “Embrace Flexibility and Innovation” đã sắp kết thúc với nhiều thử thách đặt ra cho cả thầy và trò Tây Úc. Nhưng những thách thức đó không thể cản bước các thầy cô sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy để có những buổi học thú vị và thu hút hơn.
“Trong hai năm vừa qua cả giáo viên và học sinh đã quen thuộc với các lớp học online do dịch bệnh hoành hành. Là một giáo viên, tôi cũng dần thích nghi với việc này và từng ngày thay đổi những phương pháp để tạo nên một lớp học linh hoạt và hấp dẫn với học sinh, đặc biệt sau khi học sinh quay trở lại trường học.
Chắc có lẽ, mỗi thầy cô và học sinh đều nhận thấy được những bất tiện, khó khăn của việc học trực tuyến so với các lớp học trực tiếp. Khó khăn lớn nhất chính là sự tương tác giữa thầy và trò không được diễn ra trọn vẹn và thường xuyên. Thế nên, sau khi HS quay trở lại trường học, tôi đã cố gắng tạo nên những tiết học sinh động và sáng tạo hơn.” – Cô Nguyễn Thị Kim Ngân, Giáo viên Ngữ Văn.
Với sự đổi mới trong công tác giáo dục, các thầy cô Tây Úc cũng đã áp dụng phương pháp học trực tuyến thông qua nhiều ứng dụng, phần mềm đa dạng.
“Việc sử dụng một cách đa dạng các hình thức học tập sẽ khiến học sinh có hứng thú hơn khi tham gia lớp học. Tuy nhiên việc lựa chọn và kết hợp các phần mềm với nhau cũng vô cùng quan trọng. Để khởi động lớp học, tạo tâm thế học tập, thầy cô có thể sử dụng các video clip liên quan đến bài học hoặc trang web bouncyballs.org,… Để quản lý, tạo động lực cho lớp học thầy cô có thể sử dụng phần mềm ClassDojo để cộng/trừ điểm, tạo group học tập, chọn học sinh random,…
Trong tiết học, thầy cô có thể tạo ra các bài kiểm tra kiến thức bằng hình thức Quizzes, Kahoot, Baamboozle,… Việc được tương tác với câu hỏi thông qua những hình thức khác nhau sẽ khiến học sinh thích thú hơn việc làm bài tập trên giấy hoặc giáo viên hỏi, học sinh trả lời.” – Cô Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ
Với cô Võ Thị Nhật Linh – Giáo viên Giáo dục Công dân, dù không phải là môn học chính, nhưng phương pháp giảng dạy cũng cần linh động nhằm tăng tính “thú vị” cho bài học.
“Ngoài việc khai thác sự lý thú trong chính nội dung dạy học, để có sự sinh động trong tiết học cần có vai trò, hoạt động chính của học sinh. Các hoạt động của học sinh được hình thành và phát triển nhờ các phương pháp, thủ pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với sở thích của các em. Đó chính là cách tổ chức dạy học dưới dạng các trò thi đố, các trò chơi, tổ chức hoạt động tình huống, tổ chức hoạt động học theo nhóm, tổ chức dạy học dự án, tổ chức dạy học ngoài không gian lớp học…”
Và để áp dụng các phương pháp học tập hiệu quả, việc hiểu học sinh của mình cần gì và năng lực nhận thức của các em đến đâu cũng đóng vai trò quan trọng không kém.
“Mỗi học sinh là có những tính cách, khả năng riêng biệt, vì vậy việc giảng dạy của giáo viên cũng phải thật uyển chuyển và nắm bắt được nhu cầu, mong muốn, những khó khăn… mà học sinh đang gặp phải. Trong mỗi tiết học, giáo viên cần có sự lắng nghe và hiểu được học sinh để điều chỉnh phương pháp, hình thức… cho phù hợp thì mới tạo ra giá trị cho tiết học và cho học sinh.”
Giống như hầu hết các thầy cô giáo khác, thầy Nguyễn Văn Cường – Giáo viên môn Khoa học tự nhiên cũng đã vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt, là yếu tố quyết định giúp WASSers nắm kiến thức và áp dụng thực tế hiệu quả.
“Gắn nội dung bài học môn KHTN với những ứng dụng trên thực tế sẽ làm cho việc giảng dạy của giáo viên trở nên mới mẻ và làm phong phú thêm việc học trên lớp. Thông qua các tình huống thực tế sẽ làm cho nội dung bài học trở nên dễ hiểu và dễ học. Nó sẽ khơi dậy sự quan tâm của học sinh và khiến chúng hào hứng cho học sinh tham gia.
Một số bài học sẽ hiệu quả hơn khi chúng được dạy bên ngoài lớp học. Các tiết thực hành thực hiện trên phòng Lab (tìm hiểu Nguyên sinh vật, các dụng cụ đo lực,…). Hoặc có thể tổ chức các chuyến đi thực tế (nếu có) liên quan đến các chủ đề bài học hoặc chỉ đơn giản là đưa học sinh đi dạo bên ngoài lớp học. Học sinh sẽ tìm thấy điều này mới mẻ và thú vị. Không cần nỗ lực nhiều, học sinh sẽ học và nhớ những gì thầy cô giảng dạy.” – thầy Cường chia sẻ.
Những ý tưởng sáng tạo, những phương pháp giảng dạy mới kết hợp với các phương pháp nền tảng vừa tạo ra những trải nghiệm mới trong lớp học, vừa giúp học sinh hiểu và ghi nhớ bài hiệu quả. Đó là cách các thầy cô Tây Úc truyền cảm hứng cho các WASSers có những giờ học tập thú vị.